x

Trung tâm Tiếng Trung Cầm Xu được thành lập từ năm 2016, đến nay Tiếng Trung Cầm Xu đã đào tạo gần 300.000 học viên học trực tiếp và trên 20.000 học viên học trực tuyến trên khắp thế giới. Cùng lắng nghe châm ngôn “Giáo dục là phát triển con người” của founder đứng sau thành công của chuỗi hệ thống học Tiếng Trung này nhé!

 

  1. Xin chị chia sẻ về hành trình học tiếng Trung và sáng lập Trung tâm tiếng Trung Cầm Xu?  Động lực nào khiến chị từ bỏ công việc lâu năm để chuyển sang lĩnh vực giáo dục?

Hồi bé được ông đặt tên cho là Thanh Cầm, rồi ở nhà ông có một kho sách để mình đọc không bao giờ chán, có cả Đông Chu liệt quốc, Truyện Kiều, Tam quốc diễn nghĩa, Sử ký Tư Mã Thiên, toàn những chuyện ngày xưa, những văn hóa Trung Quốc, đều đọc từ bé, xong tên mình lại được đặt theo Hán Việt nên từ bé đã có niềm yêu thích rồi.

Xong rồi lớn lên thì thích xem phim Hoàn Châu cách cách, Tân dòng sông ly biệt,… mê đắm một thời, nên đối với mình ngôn ngữ Trung Quốc nó gần gũi và nó có nhiều kỷ niệm hơn các ngoại ngữ khác, cho nên đến khi mình quyết định thi vào trường Ngoại Thương thì ngoại ngữ mình chọn là Tiếng Trung là vì thế, đồng thời với thời mình học ngoại ngữ thì Trung Quốc cũng chưa mạnh lắm, chủ yếu là do mình thích thôi, giữa nhiều thứ tiếng mình chọn Tiếng Trung vì 2 lý do đấy.

Hồi đầu mình đang làm radio và làm phát thanh báo chí rất nhiều năm, sau đó thì mình có quen một cô em cùng làm phát thanh báo chí, sau khi nghe mình phát âm Tiếng Trung thì cô ấy bảo là “ôi em tìm bao nhiêu chỗ mà chưa thấy ai dạy phát âm dễ hiểu và chuẩn như chị”. Bởi vì cô ấy cũng là người trong nghề phát thanh nên cô ấy rất là khó tính về chuyện phát âm này.

Thế là cô ấy nằng nặc bắt mình dạy cho cô ấy và nhóm bạn, trong đó có cả giám đốc sáng tạo Cốc Cốc Search ngày ấy nữa, cùng rất nhiều bạn rất tài năng và trong ngành truyền thông. Chính cái lớp học đầu tiên đấy nó mới làm cho mình nhận ra là ồ hóa ra mình cũng có khả năng sư phạm, ồ hóa ra mọi người rất thích cái cách dạy này của mình, mình tự nhiên cảm thấy là cái phương pháp dạy cùng cái giá trị về phát âm của mình có thể mang lại giá trị cho người khác, và mình bắt đầu yêu thích ngành giáo dục.

Sau đó thì mình làm kênh YouTube và rất là tình cờ lại nhận được sự yêu mến đặc biệt, có mấy clip triệu view với cả có hàng trăm nghìn người follow một cách nhanh chóng. Rồi có những bạn chỉ học qua YouTube thôi và viết thư về bảo với mình là “nhờ cô mà em sửa được phát âm”, “nhờ cô mà em kiếm được công việc”. Từ hai trải nghiệm đấy mình thấy rằng hóa ra là mình cũng có khả năng giảng dạy, hóa ra phương pháp của mình khác biệt, và hóa ra là mình có thể mang lại nhiều giá trị như vậy, thì đấy là cái bước đệm đầu tiên.

Và sau đó khi mình phá sản business đầu tiên, thì mình đã đi dạy lớp đầu tiên theo yêu cầu của mọi người để kiếm tiền trả nợ, nhưng cũng chính từ cái lớp đầu tiên đấy mình lại càng khắc sâu và có cảm giác mãnh liệt là ồ cái ngành giáo dục này nó thuộc về mình, nó phù hợp với mình và mình có thể mang lại nhiều giá trị hơn so với những ngành nghề trước mà mình đã lựa chọn, đấy là nghề chọn người ý, từ 3 cái bước đệm đấy thế là mình quyết định chuyển sang ngành giáo dục.

 

  1. Chị đánh giá sao về nhu cầu học Tiếng Trung hiện nay của người Việt Nam, cụ thể là tại các thành phố lớn như Hà Nội?

Chị đánh giá sao về nhu cầu học Tiếng Trung hiện nay của người Việt Nam?

Mình đánh giá nhu cầu học Tiếng Trung hiện nay của người Việt Nam là rất cao. Chỉ cần các bạn để ý thôi thì các bạn sẽ thấy là thể nào xung quanh mình cũng có một ai đấy đang học Tiếng Trung hoặc hỏi về việc học Tiếng Trung, các bạn cứ để ý mà xem, bất kể bạn là ai và đang làm gì.

Và tại các thành phố lớn như Hà Nội thì mình thấy góc nào cũng có thể bắt gặp người đang hỏi về lớp Tiếng Trung, rồi rất là nhiều các lớp học nhỏ lẻ, lớp học tư nhân, v.v…, rất là đông, thì mình thấy là nhu cầu học Tiếng Trung của người Việt Nam hiện nay đang tăng rất cao. Nó có hơi bị ảnh hưởng trong khoảng 2 năm gần đây khi mà dịch bệnh và Trung Quốc đóng cửa, nhưng mà mình thấy nó chỉ như cái lò xo đang nén lại để chờ bung thôi ý, bởi vì về bản chất là Việt Nam có hai đặc điểm:

Thứ nhất, là láng giềng ở cạnh Trung Quốc, có nghĩa là nó là cái địa thế mà sinh ra lịch sử địa lý nó đã vậy rồi. Thì đương nhiên là các nước cạnh nhau như vậy thì thế nào cũng không thể tránh khỏi sự liên quan. Thứ hai, là kinh tế Trung Quốc đang rất mạnh và nó sẽ còn phát triển. Bởi vì hai đặc điểm này mà mình tin rằng nó sẽ còn phát triển nữa. Do bây giờ Trung Quốc hơi đóng cửa một chút sau dịch Covid nên nhu cầu học có giảm nhẹ, nhưng mà nó chỉ là cái lò xo đang nén lại để chờ bung thôi bởi vì những người muốn học Tiếng Trung họ vẫn sẽ học, nhưng họ sẽ chờ đợi đi qua giai đoạn này rồi mới học thôi, nên mình vẫn đánh giá là nhu cầu đang rất cao.

Chị từng nhận định “volume thị trường học Tiếng Trung đang ngày một tăng và còn nhiều cơ hội khai thác so với thị trường Tiếng Anh đang bắt đầu bão hòa”. Dựa vào đâu chị có nhận định như vậy?

Cái nhu cầu cao thì mình vừa nói rồi đấy, nhưng tại sao lại là cơ hội ngày một tăng và Tiếng Anh bão hòa, là bởi vì:

Nhu cầu Tiếng Anh so với Tiếng Trung chắc chắn là gấp rất nhiều lần, ai cũng biết là như vậy. Tuy nhiên trên thị trường lại đang có quá nhiều trung tâm Tiếng Anh lớn nhỏ, kiểu nhỏ nhỏ manh mún cũng có mà các chuỗi lớn bự hàng mấy chục mấy trăm chi nhánh trên toàn quốc cũng có, rồi những đơn vị tự phát theo chuyên nghiệp cũng có, mà những đơn vị đã triển khai hệ thống quản trị vận hành xuất sắc và chuyên nghiệp cũng có rất là nhiều, chúng ta có thể dễ dàng nghĩ ra trong đầu một vài chuỗi đào tạo Tiếng Anh lớn, bài bản, chuyên nghiệp trên toàn quốc mà số cơ sở, chi nhánh của họ phải lên đến mấy chục hoặc hàng trăm ý.

Thế nhưng, với thị trường Tiếng Trung, mặc dù là một thị trường mà cái volume của nó đang nhỏ hơn Tiếng Anh nhiều, nhưng nó lại lớn hơn các ngoại ngữ khác là một. Thứ hai là chưa thực sự có một đơn vị lớn nào làm bài bản, chuyên nghiệp, hệ thống, mà nó là một cái tên hiện ngay ra trong đầu khách hàng mỗi khi nghĩ đến một hệ thống đào tạo Tiếng Trung bài bản, chuyên nghiệp.

Cho nên mình đánh giá volume ngày một tăng là như cái mình vừa nói, nhiều cơ hội khai thác là vì nó chưa có những đơn vị thực sự uy tín lớn mạnh và tạo nên chuỗi lớn như những chuỗi Tiếng Anh lớn là Apollo, ILA.

 

  1. Tiếng Trung Cầm Xu hiện nằm trong top những trung tâm nổi tiếng nhất Hà Nội, hướng tới tầm nhìn trở thành chuỗi trung tâm đào tạo Tiếng Trung lớn nhất, bài bản nhất, được yêu mến nhất Việt Nam. Mục tiêu cụ thể là mở 10 cơ sở vào năm 2023 và 20 cơ sở vào năm 2024 trên khắp cả nước. So với các trung tâm khác, Cầm Xu có thế mạnh đặc biệt gì để thực hiện các mục tiêu đó?

Đầu tiên mình có so sánh với cả các chuỗi trung tâm Tiếng Anh lớn trên toàn quốc, và mình cũng có một khát khao đấy là mình có thể tạo nên một chuỗi trung tâm Tiếng Trung chuyên nghiệp, bài bản và lớn mạnh được như các trung tâm Tiếng Anh tên tuổi lớn là Apollo, ILA, Language Link… Tại vì mình nghĩ rằng Tiếng Anh làm được thì sao Tiếng Trung không làm được, cùng là ngôn ngữ cơ mà, và thằng Mỹ đứng số 1 thì thằng Trung cũng đứng số 2 chứ có kém cạnh gì đâu, thì lý do vì sao mình không làm được một cái trung tâm Tiếng Trung mà nó bài bản, nó tử tế và xịn như vậy, thì đấy là lý do mình muốn đặt ra một cái tầm nhìn như vậy.

Và nó lớn nhất có nghĩa là quy mô lớn, có nhiều cơ sở nhưng bài bản, thể hiện ở vấn đề là quản trị chuyên nghiệp, còn được yêu mến thì được thể hiện ở vấn đề là giảng dạy tận tâm, và dịch vụ thì gần gũi kết nối.

Cầm Xu có thế mạnh đặc biệt gì để thực hiện các mục tiêu đó?

Cái thế mạnh đầu tiên là trung tâm có một đội ngũ R&D nghiên cứu phát triển rất là mạnh, đầu tư tiền bạc công sức cho hoạt động R&D để chủ động được về sản phẩm và liên tục cải tiến chương trình dạy học để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Thứ hai, là Tiếng Trung Cầm Xu đầu tư nhiều vào hệ thống quản trị vận hành chuyên nghiệp bao gồm quản lý bằng hệ thống phần mềm, công nghệ, quy trình hóa, chuẩn chỉnh, bài bản, cũng như là có đội ngũ quản lý đến từ các doanh nghiệp lớn, có kinh nghiệm làm trong các doanh nghiệp lớn.

Thứ ba, là văn hóa doanh nghiệp, tập trung vào khách hàng, tập trung vào dịch vụ, tập trung vào phát triển con người, khuyến khích, khích lệ và đồng hành, cố gắng để trở thành trung tâm Tiếng Trung tốt nhất Việt Nam, bằng tính toán số liệu, và những dịch vụ giáo dục làm cho khách hàng cảm thấy kết nối, khuyến khích, thân thương như người nhà.

 

  1.  Trên trang Facebook của mình, Cầm Xu thường xuyên chia sẻ những video thú vị về việc học Tiếng Trung và văn hóa Trung Quốc, thu hút rất nhiều lượt tương tác và yêu thích. Chị có thể chia sẻ thêm về hướng tiếp cận này?

Đối với mình, từ ngày xưa quan điểm cá nhân của mình, cá nhân thôi, có thể có người đồng ý hoặc không nhưng luôn luôn là: đã học một ngôn ngữ là phải yêu thích, đặc biệt người ta có cái câu là “Biết thêm một ngoại ngữ là biết thêm một thế giới, biết thêm một nền văn hóa mới, sống thêm một cuộc đời”, thế nên quan điểm của mình nếu mà chỉ học thực dụng thì nó sẽ không vào và sẽ không vui, bản thân mình cũng là người thích theo đuổi đam mê và lý tưởng, nên quan điểm của mình là các bạn học ngôn ngữ không chỉ là để biết ngôn ngữ đấy mà các bạn còn phải thích nó, say mê nó, và hiểu văn hóa của nó thì học sẽ vào.

Cho nên ngoài dạy học mình định hướng cung cấp thêm rất nhiều nội dung là ảnh hoặc video về văn hóa Trung Quốc. Ngày xưa mình từng một mình đi hết Trung Quốc, thì mình cũng mang những chuyện ấy để kể, bởi vì mình hy vọng và mình tin rằng những việc đấy có thể làm cho các bạn chưa có hứng thú thì sẽ có hứng thú hơn, ai mà đang học Tiếng Trung rồi thì sẽ hiểu được cái tầng gốc, cội nguồn sâu xa, cái gốc rễ để chúng ta không chỉ học cái ngọn mà chúng ta còn học cái gốc và có niềm yêu thích với ngôn ngữ.

Theo chị, nếu không có những văn hóa và sự yêu thích ấy thì có học Tiếng Trung được không?

Học được, nhưng mình cảm giác giống như bạn chỉ hiểu cái bề mặt, giống như bạn nhìn cái cây mà bạn chỉ nhìn thấy cái tầng lá chứ không nhìn thấy gốc, hoặc bạn ngắm biển mà chỉ thấy mặt biển chứ không biết những cái sâu dưới đáy biển. Mình nghĩ là cũng học được, không vấn đề gì, nhưng mà bạn đang bỏ lỡ rất nhiều thứ hay ho ở đằng sau đấy. Khi bạn vừa học ngôn ngữ nhưng bạn lại vừa biết, hiểu về văn hóa thì bạn sẽ hiểu được gốc rễ sâu xa tại sao nó lại có cách diễn đạt này, tại sao lại có chữ viết này.

Thứ hai, là bạn ứng dụng lại những thứ bạn học vào trong đời sống, ngôn ngữ không phải là thứ ngôn ngữ chết trên trang giấy mà phải ứng dụng được vào đời sống, nếu bạn muốn ứng dụng vào đời sống bạn phải có một cái background, một cái nền tảng hiểu biết về văn hóa cổ đại và văn hóa hiện đại thì bạn mới đọc được cái thứ mình học như kiểu ghép mảnh ghép vào bức tranh, và bạn mới nhìn thấy được toàn cảnh.

Chị nghĩ sao về việc khi mà người ta học thêm những cái đó thì có giúp ích gì cho người ta trong quá trình người ta đến Trung Quốc hoặc muốn hòa nhập vào với Trung Quốc?

Nó sẽ giúp mấy cái:

Thứ nhất, là nếu bạn chưa có cơ hội đến Trung Quốc thì bạn cũng biết là người Trung Quốc đang dùng Tiếng Trung như thế nào, ở trong phim ảnh, trong các tác phẩm nghệ thuật hay là trong đời sống giới trẻ, thông qua những clip đấy, nó đặt ngôn ngữ bạn học vào trong bối cảnh nên bạn sẽ hiểu sâu hơn và vận dụng được nhiều tình huống hơn.

Còn nếu như bạn có cơ hội đến Trung Quốc, thì những thông tin đã chia sẻ trong các bài viết của trung tâm sẽ giúp cho các bạn hòa nhập nhanh hơn, không bị bỡ ngỡ, và các bạn có thể sử dụng ngôn ngữ rất là nhanh.

Nó có giúp ích gì cho việc giao tiếp không ạ?

Thực ra quan điểm chính của mình là hiểu văn hóa là để yêu, tức là những văn hóa đấy làm cho người ta được truyền cảm hứng, khơi gợi đam mê học tập. Còn nếu để giúp ích cho việc giao tiếp thì mình nghĩ cũng có nhưng không phải mục đích chính nên không nhiều, tuy nhiên nó cũng có.

Tức là bạn có thể học 1 từ, bạn thấy nó xuất hiện trong nhiều bối cảnh giao tiếp, trong các đoạn phim trong những clip khác nhau thì nó cũng trùng với phương pháp Emotional Chinese học qua ngữ cảnh, khiến cho bạn được cọ xát với kiến thức đấy, từ vựng ngữ pháp đấy nhưng trong một bối cảnh khác nên bạn sẽ hiểu sâu hơn và nhớ kỹ hơn.

Và việc bạn luyện nghe thông qua các clip, nếu bạn luyện nghe bằng những tài liệu thu âm chuyên ngành thì nó rất là khô khan, nhưng bạn luyện nghe mà bạn bắt gặp từ vựng hoặc ngữ pháp cũ mà bạn đã học ở trong những bối cảnh thú vị như trong các clip hoặc phim thì nó sẽ thú vị hơn, và vì vậy bạn sẽ luyện phản xạ nghe và nhắc lại nó thú vị hơn và hỗ trợ cho việc giao tiếp.

 

  1. Quan điểm của chị là “Giáo dục là phát triển con người”. Triết lý kinh doanh này được phản ánh trong hoạt động của Cầm Xu ra sao ạ? (VD cách Cầm Xu quan tâm đến giá trị mang lại cho học viên, việc Cầm Xu trở thành nhà tài trợ cuộc thi hùng biện tiếng Trung của Đại học Ngoại Thương…)

Đối với mình quan điểm “giáo dục là phát triển con người” có hai ý:

Một, là không phán xét và luôn luôn khuyến khích đồng hành. Bởi vì có thể khá nhiều bạn ở đây đã từng ít nhất một lần trong đời được trải nghiệm phương thức giáo dục áp đặt, tức là chỉ đề cao thành tích thôi. Còn lỡ có lúc nào bạn không may điểm kém, hoặc lỡ lúc nào bạn sa sút phong độ hoặc lỡ lúc nào bạn vì một lý do gì đấy mà bạn không theo kịp kiến thức của lớp thì bạn sẽ bị đánh giá, phán xét là bạn kém, bạn lười hoặc thiếu đi cái sự thông cảm, đồng hành, hỗ trợ và động viên.

Giáo dục là phát triển con người thì ý đầu tiên của mình tức là chúng ta luôn khuyến khích, luôn hỗ trợ và luôn kiên nhẫn cũng như là cá nhân hóa theo tiến độ của từng học viên, làm sao để mỗi người tiến bộ tốt hơn ngày hôm trước là tốt rồi chứ không phải là so người này với người kia, bởi vì trong xã hội này có thể có nhiều ngành nghề khác nhau, nhiều độ tuổi và nhiều năng khiếu khác nhau, nếu mà chúng ta cứ so sánh như vậy xong rồi cứ lấy thành tích là ai học tốt thì mới được, thì đối với mình như vậy nó không phải là giáo dục đúng nghĩa, mà điều quan trọng là làm sao để luôn ghi nhận và khích lệ để học viên biết rằng mình của ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, và ngày mai có thể tốt hơn. Quan điểm giáo dục là phát triển con người của mình chính là như thế.

Thứ hai, là có thể nhiều bạn ở đây cũng đã từng trải nghiệm cái kiểu giáo dục là truyền thụ kiến thức một chiều và đọc chép, nó khiến cho rất nhiều học sinh, sinh viên ở Việt Nam rất yếu về tư duy phản biện. Giáo dục là phát triển con người được mình lồng ghép ở đây là bằng các phương thức học mà để cho học viên tự khám phá ra kiến thức, ví dụ đặt ra các bối cảnh, đặt ra các câu hỏi gợi mở v.v… để cho học viên từ đó tự khám phá ra kiến thức, tự đoán ra, tự ứng dụng vào được trong các ví dụ mà mình cần, thì nó sẽ tạo ra cảm giác làm chủ được kiến thức, tức là từ kiến thức mà chuyển hóa được thành tri thức và chuyển hóa được thành cái vốn ở trong người của học viên.

Đấy là hai yếu tố liên quan đến giáo dục là phát triển con người. Và việc này được phản ánh trong hoạt động của Cầm Xu đó chính là liên tục đào tạo giáo viên về các phương pháp giảng dạy mới, rồi trong các lớp ứng dụng cách thức tương tác theo hướng hỗ trợ động viên khuyến khích cũng như là thiết kế ra những phương pháp học tập để học viên tự khám phá ra kiến thức.

Ngoài ra phần giáo dục là phát triển con người còn liên quan đến việc là Tiếng Trung Cầm Xu luôn luôn nỗ lực để tạo ra các hoạt động đào tạo nội bộ để nhân sự bên trong công ty được nâng cao năng lực thường xuyên, rồi hỗ trợ các hoạt động bên ngoài để các em phát huy tài năng của mình, ví dụ như trở thành nhà tài trợ cuộc thi hùng biện Tiếng Trung lớn nhất toàn quốc, đấy là những cái Tiếng Trung Cầm Xu đầu tư vào để thực hiện cho quan điểm giáo dục là phát triển con người.

Tại sao chị lại đi theo quan điểm này ạ?

Thực ra mình nói thật là đi theo con đường này rất là mệt mỏi, vất vả, khó khăn. Trên một lần mình đã phải thừ người ra và nghĩ rằng là tại sao mình phải đi con đường này và mình có nhất định phải làm thế không, đấy là sự thật. Có rất nhiều đơn vị khác và nhiều phương pháp khác, và mọi người đã quen thuộc với cách cũ, mọi người có thể không cần phải làm như vậy. Nhưng cái lý do đến cuối cùng mình vẫn chọn đấy là thỉnh thoảng mình sẽ nhận được một vài lá thư cảm ơn của học viên hoặc đôi khi là của nhân viên, khi mà họ nói rằng: “Em chưa từng nghĩ mình sẽ học được Tiếng Trung, em cứ nghĩ Tiếng Trung khó lắm nhưng nhờ cô em mới biết thế nào là học thông minh thay vì học chăm chỉ”.

Mình nghĩ rằng có rất nhiều người cũng khát khao học tập, cũng muốn trở thành một con người tốt hơn. Nhưng nếu mà chúng ta quá phân biệt, không đi theo hướng giáo dục là phát triển con người mà chỉ tập trung nhìn vào thành tích và kết quả, vậy thì ai sẽ là người làm cái việc đấy? Vậy thì những ước mơ được vượt lên, được phát triển bản thân của học viên, ai sẽ giúp họ? Đó là quyền lợi chính đáng, nhu cầu chính đáng, nếu như mình không làm thì ai sẽ làm?

Có những bức thư người ta gửi về và nói rằng là cuộc đời họ thay đổi, hay là có những em nhân viên cảm ơn mình và nói rằng là “ở đây, em đã thay đổi, em được phát triển”, v.v…, khiến mình thấy được những việc mình làm là có ý nghĩa, dù khó khăn vất vả nhưng chính cái việc tạo ra được những cái thay đổi hoặc những sự ảnh hưởng đấy cho rất nhiều người như vậy, có những người là thay đổi cuộc đời đấy, thì đến cuối cùng mình nghĩ rằng là những cái cố gắng và con đường mình chọn là xứng đáng, mặc dù khó khăn vất vả nhưng mà tôi vẫn sẽ chọn cái con đường này, bởi vì nó là một con đường không chỉ kinh doanh kiếm tiền mà nó mang lại rất nhiều ý nghĩa cho xã hội và cho cuộc sống này.

 

  1. Từ những gì chị chia sẻ, có vẻ chị là người cũng đam mê ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc. Chị có lời khuyên gì cho các bạn yêu thích Tiếng Trung và định hướng học Tiếng Trung?

Bạn nhắc đến từ “đam mê” nên mình nói luôn, là đối với mình, quan điểm có thể phù hợp hoặc không phù hợp nhé, nhưng quan điểm cá nhân của mình là mình làm mọi thứ đều dốc hết trái tim vì sự đam mê của bản thân. Nên việc đầu tiên mình nghĩ là các bạn học vì bất cứ lý do gì, phục vụ công việc phục vụ bằng cấp hay là cái gì cũng được, nó đều chính đáng, nhưng hãy cài vào nó một chút đam mê, please! Hãy làm một điều gì đó mà mình thấy vui, mình cảm thấy hứng khởi chứ không chỉ vì nó có lợi, bởi vì nếu bạn làm một việc gì đấy chỉ vì bạn thấy có lợi, đến một lúc nào đấy bạn sẽ thấy đời sống của bạn rất là nonsense, tức là không có ý nghĩa gì cả.

Vì vậy nếu bạn phải học Tiếng Trung vì một lý do nào đấy, chúng ta có thể học cách yêu nó, học cách khám phá những điều xung quanh nó, và khi chúng ta học mà chúng ta có thêm niềm đam mê ấy , bạn có biết một câu là “Khi bạn làm một việc mà chỉ để làm thì là đi làm, còn bạn làm một cái gì đó vì vui thì không có ngày nào là đi làm cả.” Thì việc học cũng như vậy, nếu bạn học chỉ vì mục đích để đi làm, để đàm phán hợp đồng, để lấy một cái bằng thì nó rất là chán và cảm giác nó như cực hình.

Còn quan điểm ở đây là mình mong muốn các bạn học mà được đam mê, còn nếu như các bạn đến với nó mà chưa từng có đam mê thì cũng không sao cả, chúng mình sẽ cố gắng để đưa thêm những hình thức để các bạn có thể đam mê nó, ví dụ như là chúng mình đưa thêm cho các bạn nhiều tư liệu hay ho về văn hóa Trung Quốc, về đất nước Trung Quốc, hoặc chúng mình thiết kế ra những phong cách học nó vui, nó thú vị để các bạn cảm thấy mỗi ngày đi học là chúng ta được vui và được đam mê thêm.

Lúc đó khi mà các bạn học xong thì các bạn vừa có kiến thức trong tay mà các bạn còn có một hành trình vui vẻ và những trải nghiệm tuyệt vời, thì đấy là mong muốn của mình, tại sao mình làm ra phương pháp Emotional Chinese là như vậy, học là phải có cảm xúc, mà cảm xúc đấy sẽ nâng đỡ cho quá trình học tập cũng như kết quả cuối cùng của bạn và giúp bạn đi được đến cuối cùng con đường.

 

  1. Được biết năm 2019, chị đã tự mình đi khắp đất nước Trung Quốc rộng lớn. Chị có thể chia sẻ thêm về chuyến đi này và những cảm nhận về đất nước, con người Trung Quốc sau chuyến đi?

Điều đầu tiên mà sau chuyến đi này mình thực sự phải ồ lên là “Oh no!Trung Quốc hoàn toàn khác với những gì mọi người đang nghĩ”. Có rất là nhiều cái hiểu lầm về Trung Quốc ví dụ như là buôn bán nội tạng, Trung Quốc không an toàn, bắt cóc các thứ. Thật sự là mình đi một mình, mình đã gặp rất nhiều sự cố ví dụ như mất hành lý, mất tiền, trễ tàu, trễ xe, lạc đường v.v… và mình thấy là người Trung Quốc cực kỳ nhiệt tình giúp đỡ kinh khủng khiếp luôn, họ nhiệt tình, họ nice, họ hiếu khách và họ giúp đỡ rất là tận tình, và nó chẳng thấy có gì nguy hiểm cả, thậm chí mình có thể nói là Trung Quốc cực kỳ an toàn luôn.

Cái điều mình ấn tượng thứ hai là thực sự Trung Quốc quá phát triển, đặc biệt là một xã hội công nghệ 4.0 ăn sâu vào tất cả mọi hoạt động, mọi tình huống, đúng là một xã hội công nghệ luôn. Mình thấy Trung Quốc thật sự phát triển và hiện đại. Bởi vì dịch cho nên lần cuối cùng mình đến được Trung Quốc là vào tháng 1/2020. Mình thấy rằng là, khi đi qua những thành phố như Thượng Hải thì mình thấy phát triển hơn rất nhiều những đất nước khác mà mình đã từng đi qua. Đấy là cái mình ấn tượng, một xã hội rất là trật tự, quy củ, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại. Đấy là về con người và đất nước.

Có phải là bởi vì chị đi các thành phố lớn nên chị cảm thấy Trung Quốc rất giàu có không?

Cũng không hẳn, thế thì mình phải chỉnh lại một tý. Bản thân mình là kiểu trải nghiệm tất cả mọi khía cạnh, mình quanh quẩn tất các các khía cạnh, mình có thể đi những thành phố lớn nhất nhưng đồng thời mình cũng có thể đi những thành phố nghèo nhất, rồi những khu gọi là khu ổ chuột xó xỉnh, mình cũng từng đi cả tàu khoang hạng nhất, vé máy bay hạng thương gia nhưng mình cũng đi cả những cái xe lậu hôi hám bẩn thỉu, trên xe toàn những người già và mặc những bộ quần áo như kiểu cả năm không giặt ở chân một bến xe nhếch nhác đầy mùi nước tiểu. Mình thấy rằng là, cái ấn tượng của mình về đất nước Trung Quốc nó rất đa chiều và nó có một cái nhìn toàn diện.

Nếu mà nói về những điều tích cực thì thực sự mình thấy là Trung Quốc không giống như trong tưởng tượng của các bạn ở chỗ là không có bắt cóc, buôn nội tạng hay là người Trung Quốc rất nguy hiểm thì không thấy, mình thấy người Trung Quốc rất hiền lành, an toàn và hiếu khách.

Đúng rồi, mình đi cả những nơi nhỏ, nơi xó xỉnh, đúng nghĩa là xó xỉnh của đất nước Trung Quốc thì mình cũng thấy người ta quét Wechat, tức là đời sống còn rất nghèo nhưng người ta cũng đã ứng dụng công nghệ đến tận đấy rồi. Với cả người ta làm xây dựng hạ tầng cực kỳ tốt. Tức là có những nơi mà nó còn rất là nghèo nhưng chính phủ Trung Quốc đã tập trung làm đường rồi, tức người ta xây những cơ sở hạ tầng cho đời sống ý, bởi vì mình cũng làm kinh doanh nên mình biết rằng là ở đâu có đường thì ở đó có phát triển kinh tế. Thì mình thấy có một điều là kể cả những nơi nghèo nhất thì mình cũng thấy được, thứ nhất là cái hơi thở công nghệ rất là rõ nét, thứ hai là cái cơ sở hạ tầng ví dụ như là về điện đường trường trạm và những cái hạ tầng cho nền kinh tế người ta làm rất là tốt.