Tại sao “Không phát âm chuẩn thì không giao tiếp được”?
camxu
26/10/2022
Đa phần mọi người đều cho rằng, không giao tiếp được là vì từ vựng học chưa đủ, ngữ pháp học chưa chắc mà không biết rằng, chính học phát âm không chuẩn cũng là một yếu tố quan trọng dẫn đến việc không nói được, nói bị nhầm, bị cười, gây ra các sự cố giao tiếp, dẫn đến việc mất tự tin trong giao tiếp, luôn sợ mình nói sai nên không dám nói.
Nguyên nhân dẫn đến những điều này là:
1. Bạn đã không sở hữu được âm thanh thì sẽ không nghe được chính xác, không hiểu nghĩa.
Để bạn hiểu rõ hơn thì “sở hữu âm thanh” là bạn nghe đúng, nghe hiểu được âm thanh đó kể cả khi đối phương nói nhanh hay chậm, giọng vui vẻ hay tức giận, và ngược lại, bạn cũng nói đúng được âm thanh đó với bất kỳ cảm xúc, tốc độ nào mà không cần dừng lại và suy nghĩ quá nhiều.
Không “sở hữu âm thanh” bạn sẽ không nói được hoặc gặp khó khăn trong việc giao tiếp. Những em nhỏ bị điếc bẩm sinh nên không nói được dù cấu tạo khoang miệng bình thường là vì các em chưa từng nghe được bất cứ âm thanh nào nên không thể nào nói được. Âm thanh bạn nghe được sẽ quyết định âm thanh bạn nói ra. Bạn lớn lên ở vùng nào, bố mẹ, giáo viên của bạn nói giọng vùng nào thì đa phần bạn sẽ có âm địa phương vùng đó.
Nghe chưa đủ, không “sở hữu âm thanh” cũng là nguyên nhân dẫn đến việc đôi khi có những từ mặc dù bạn biết nghĩa, biết từ đó viết như thế nào nhưng khi nghe thì nghe không hiểu hoặc không thể nói được khi giao tiếp. Lấy ví dụ một cụm từ Tiếng Anh rất quen thuộc với người Việt Nam đó là restaurant (nhà hàng). Rất nhiều bạn khi học Tiếng Anh, không được học đúng trình tự nghe nói đọc viết, thậm chí không được nghe hoặc nghe chưa đủ nên khi nhìn mặt chữ, các bạn sẽ đọc từ này là “rét-tau-rừn” hoặc “rét-tau-ran”, từ đó dẫn đến việc, khi nói chuyện với người nước ngoài, mặc dù biết câu đó cần dùng từ vựng gì, ngữ pháp gì nhưng không thể nào nói ra được.
2. Không học phát âm chuẩn nên nói sai dẫn tới hiểu lầm ý, hoặc nói mà người ta không hiểu.
Tiếng Trung có một nét tương đồng với Tiếng Việt đó là cũng có nguyên âm, phụ âm và dấu (thanh điệu, vận mẫu và thanh mẫu), là ngôn ngữ đơn âm nên chỉ cần nhầm dấu (thanh mẫu) hay nhầm nguyên âm, phụ âm (thanh điệu, vận mẫu) là hoàn toàn sẽ sang một nghĩa hoàn toàn khác.
Ở Tiếng Anh, nếu bạn đọc “I love you” là “Ai lớp diu” thì có thể người nước ngoài họ vẫn hiểu và không gây nên sự cố giao tiếp gì. Nhưng trong Tiếng Trung “Tôi yêu bạn” là “wǒ ài nǐ” nhưng nếu bạn đọc nhầm thành “wǒ āi nǐ” thì sẽ thành “Mặc niệm bạn”.
Hoặc khi muốn nói là: Tôi bị sốt rồi (wǒ fāshāo le) mà nói thành wǒ fā sāo le (tôi đang bị n*ng), hay muốn hỏi giá tiền một bát sủi cảo, đúng ra phải hỏi là:
Xiǎojiě shuǐjiǎo yì wǎn duōshǎo qián? (Em ơi sủi cảo bao nhiêu tiền một bát?) lại nói thành
Xiǎojiě shuìjiào yì wǎn duōshǎo qián? (Em ơi, một đêm của em bao nhiêu tiền) thì cuộc nói chuyện sẽ rơi vào trầm lặng, thậm chí là ngượng ngùng.
Khi bạn không phát âm chuẩn, người nghe sẽ phải dựa vào bối cảnh, dựa vào kiến thức của họ để đoán xem bạn đang nói gì. Việc này sẽ khiến họ không được thoải mái trò chuyện và dần dần không muốn nói chuyện với bạn nữa. Còn bạn thì sau vài trải nghiệm nói mà người ta không hiểu thì lại càng sợ nói, càng sợ giao tiếp.
3. Không học phát âm chuẩn ngay từ đầu nên khi đã sai rồi thì rất khó sửa, như tờ giấy trắng, đã bị bôi đen thì khó tẩy đi vẽ lại.
Giống như một người đã quen ăn đồ ngọt, đồ ăn nhanh thì khi phải ăn lại đồ ăn nhiều chất xơ, đồ luộc để sức khỏe tốt hơn thì sẽ thấy khó hơn rất nhiều so với người đã được ăn theo chế độ khoa học từ nhỏ.
Khi bạn học phát âm sai, bạn sẽ không được chỉ học âm thanh thuần túy nữa, lúc này bạn không những phải học cách phân biệt âm Tiếng Trung và âm trong tiếng mẹ đẻ mà còn phải phân biệt âm Tiếng Trung do bạn tự chế ra với âm Tiếng Trung thật sự. Đây là cả một quá trình khó khăn và 90% người học đều bỏ cuộc từ đó chấp nhận rằng mình chỉ đọc viết chứ không nói, hoặc nói tạm với một giọng lơ lớ.
4. Mất nhiều thời gian hơn vì phải sử dụng ngôn ngữ cơ thể, hoặc phải sửa đi sửa lại câu đó/từ đó đến khi hai bên hiểu ý nhau.
Nếu bạn từng gặp vấn đề này với Tiếng Anh thì chắc hẳn bạn sẽ hiểu rất rõ cảm giác này. Bạn cố gắng diễn đạt cho đối phương hiểu, đối phương cũng đã rất cố gắng nhưng hai bạn vẫn không hiểu được ý nhau.
“Khi nói chuyện với một số bạn phát âm không chuẩn, mình đã rất cố gắng lắng nghe và dựa vào những dữ kiện đã có để đoán nhưng vì âm các bạn ấy sai nhiều quá, nếu 1 câu sai một âm thì mình còn đoán được nhưng 1 câu 10 từ sai 7 từ thì mình không cách nào đoán nổi, mà hỏi lại nhiều lần thì mình cũng ngại vì cảm thấy không được lịch sự và sẽ làm người ta sợ nói hơn.” – Chia sẻ của anh Lưu Thanh Hải – Giám sát QS của Công ty Texhong.
Để có thể giao tiếp với nhau thì yếu tố “hiểu nhau nói gì” là yếu tố quan trọng nhất và rất khó để thay thế. Chính vì vậy nếu như không học phát âm chuẩn ngay từ đầu thì khi giao tiếp sẽ khó có thể hiểu nhau, từ đó việc luyện nói, luyện giao tiếp sẽ trở nên khó khăn, nhàm chán và khó có thể tiến bộ.
5. Ngôn ngữ Trung Quốc rất đa dạng với hàng trăm ngôn ngữ địa phương nên khi họ nói phương ngữ thì ít nhất mình phải nói chuẩn tiếng phổ thông để người ta hiểu được.
Hiện nay khi mới học Tiếng Trung, nhiều bạn vẫn không biết Tiếng phổ thông là gì, thậm chí có nhiều bạn, nhiều người dạy còn nhầm Tiếng Bắc Kinh chính là Tiếng phổ thông – đây là một nhầm lẫn thật là tai hai.
Mặc dù Bắc Kinh là thủ đô của Trung Quốc nhưng tiếng Bắc Kinh là tiếng địa phương, chỉ dùng tại Bắc Kinh, giống như Tiếng Quảng Đông chỉ dùng tại Quảng Đông,… còn Tiếng Phổ thông là tiếng được dùng trên toàn lãnh thổ Trung Quốc.
Để cảm nhận rõ hơn sự khác nhau của ngôn ngữ địa phương Trung Quốc, bạn có thể xem video tại đây.
Ngôn ngữ Trung Quốc quá đa dạng nên khi học, nếu bạn không học chuẩn ngôn ngữ được dùng làm tiêu chuẩn (Tiếng Phổ thông) của Trung Quốc thì sau này bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc giao tiếp.