x

Nhớ chữ Hán nhanh hơn 50% nhờ chiết tự

camxu

29/11/2017

70% người học Tiếng Trung gặp vấn đề với việc nhớ chữ Hán, và phương pháp chiết tự chữ Hán sẽ giúp bạn học chữ Hán dễ dàng hơn bao giờ hết. Mọi người thường dễ cảm thấy chữ Hán quá phức tạp và khô khan tuy nhiên nếu đi vào tìm hiểu về chữ Hán các bạn sẽ nhận ra được nhiều điều thú vị không ngờ. Chính những chi tiết đó sẽ khiến bạn có thể dễ hình dung cũng như ghi nhớ chữ Hán lâu hơn.

Chữ Hán là một loại văn tự tượng hình có một không hai trên thế giới, nội hàm văn hóa ẩn chứa trong nó rất sâu sắc. Từ việc phân tích cấu tạo và quá trình phát triển của chữ Hán (chiết tự chữ Hán), chúng ta có thể hiểu được thế giới quan, nhân sinh quan cũng như đặc điểm nhận thức, phương thức tư duy của con người Trung Quốc. Theo thời gian, chữ giản thể đã bớt đi nhiều nét khiến cho một số chữ Hán mất đi tính tượng hình vốn có của nó, tuy nhiên hầu như phần lớn Hán tự vẫn còn giữ những bộ thủ quan trọng để biểu nghĩa cũng như biểu âm. 

Vậy hãy cùng chúng mình tìm hiểu về chữ Hán và chiết tự chữ Hán để có thể hiểu cũng như ghi nhớ chữ Hán một cách sâu sắc nhất nhé!

Lịch sử Hán Tự 

Chữ Hán đã được sáng tạo từ thời xa xưa dựa trên việc vẽ thành dạng chữ tượng hình, chữ mang ý nghĩa. Chữ Hán trải qua nhiều thời kỳ phát triển. Truyền thuyết cho rằng Hoàng Đế là người sáng tạo ra văn tự Trung Hoa từ 4-5 ngàn năm trước nhưng ngày nay không còn ai tin rằng Hoàng Đế là nhân vật có thực nữa. Cả thuyết Thương Hiệt cho chữ mà các học giả thời Chiến Quốc đưa ra cũng không thuyết phục vì không ai biết Thương Hiệt ở đời nào. Do đó khi người ta đào được ở An Dương (Hà Nam) nhiều mu rùa, xương loài vật, và đồ đồng trên đó có khắc chữ thì các nhà khảo cổ phỏng đoán rằng chữ viết ở Trung Hoa ra đời muộn nhất là vào thời kỳ nhà Thương, khoảng 1800 năm trước Công nguyên. Chữ Giáp Cốt (Giáp Cốt Tự 甲骨字) là chữ Hán cổ viết trên các mu rùa hay xương thú vật và có hình dạng rất gần với những vật thật quan sát được, là chữ Hán cổ nhất. 

Lịch sử chữ Hán trải qua các hình dạng Chữ Giáp Cốt, chữ Kim, chữ Triện, chữ Lệ chữ Khải và chữ Thư hiện nay.

Sự Phát Triển Của Chữ Hán

Chiết tự chữ Hán là gì?

Chiết tự là phân tách một chữ Nho ra làm nhiều thành phần nhỏ, rồi thích nghĩa toàn phần. (Chiết: Bẻ gãy. Tự: chữ, ý nói chữ được phân tích ra). Chữ Nho là chữ tượng hình.

Chiết tự nảy sinh trên cơ sở nhận thức về tượng hình của chữ Hán, cách ghép các bộ thủ, cách bố trí các bộ, các phần của chữ. Trên phương diện nào đó, chiết tự chính là sự vận dụng phân tích chữ Hán một cách linh hoạt sáng tạo. Hơn thế nữa, nó không chỉ dừng lại ở hình thức phân tích chữ Hán thuần túy mà còn chuyển sang địa hạt văn chương và các trò chơi thử tài trí tuệ đầy thú vị và hấp dẫn.

Cấu tạo chữ Hán – Tổng hợp Lục thư 六書 (6 phép hình thành chữ Hán)

Hán tự được hình thành như nào? Cấu tạo ra sao? Và làm sao để ghi nhớ chữ Hán một cách khoa học mà không làm mất đi cái “hay” của chữ Hán? 

Nghe “Lục thư” có vẻ xa lạ nhưng các bạn có thể hiểu đơn giản là chữ Hán đều được lập thành theo 1 trong 6 phương pháp dưới đây, gọi là lục thư.

1- Tượng hình 象形

Là phép vẽ hình tượng của các vật để tạo nên chữ, tùy theo thể mà thêm bớt.

Ví dụ:

日 Nhật = mặt trời : nguyên thủy là hình tròn, trong có lằn sáng nhấp nháy là chữ nhất 一, một nét thuộc dương. Mặt trời còn được gọi là thái dương.

月 Nguyệt = mặt trăng : nguyên thủy là hình mặt trăng khuyết, bên trong có chữ nhị 二, hai nét thuộc âm. Mặt trăng cũng gọi là thái âm.

人 Nhân = người : là hình người đứng dang hai chân.

木 Mộc = cây : là hình một cái cây có gốc, rễ, thân, cành

2- Chỉ sự 指 事 (còn gọi là Tượng sự 象事)

Là phép chỉ vào sự vật mà viết ra chữ, nhìn mà xét ra ý.

Ví dụ:

上 Thượng = ở trên : lấy nét ngang dài làm mốc, nét ngang ngắn ở trên chỉ một vị trí ở trên, nét sổ chỉ sự vận chuyển từ dưới lên trên.

下 Hạ = ở dưới : nét ngang dài làm mốc, nét ngang nhỏ ở dưới chỉ một vị trí ở dưới, nét sổ chỉ sự vận chuyển từ trên xuống dưới.

本 Bản (bổn) = gốc cây : nét ngang nhỏ phía dưới chữ mộc chỉ rõ đó là phần gốc cây.

末 Mạt = ngọn cây : nét ngang phía trên chữ mộc chỉ rõ đó là phần ngọn cây.

3- Hội ý 會意 (hay còn gọi là Tượng ý 象意)

Là hợp ý của từng phần lại để hình thành nghĩa mới.

Ví dụ:

林 Lâm = rừng. Hai chữ 木 mộc ==> ngụ ý nhiều cây hợp lại tạo thành rừng.

男 Nam.  Gồm chữ 田  điền +  力  lực

好 Hảo.  Gồm chữ 女  nữ   +  子   tử

课  Khóa (bài học). Gồm chữ ngôn (lời nói) + 果 quả (kết quả) 

是  thị (đúng, lẽ phải). Gồm chữ nhật 日  + chữ chính 正

看  khán (xem, nhìn). Gồm chữ thủ 手(tay)+  và chữ mục (mắt)目

4- Chuyển chú 轉注

Là mượn từ chữ có sẵn, đem thay hình đổi dạng thành chữ khác, nhưng có nghĩa tương cận (gần gũi)

Ví dụ:

長 Trường = dài / Trưởng = lớn (trưởng thành). Do chữ長 trường = dài đọc thành “trưởng”. Hai âm “trường” / “trưởng” và hai nghĩa “dài” / “lớn” tuy đã chuyển biến nhưng cùng một ý.

少 Thiểu = ít / Thiếu = nhỏ tuổi. Do chữ少 “thiểu” chuyển chú đọc thành “thiếu”. Hai âm “thiểu” / “thiếu” và hai nghĩa “ít” / “nhỏ” tuy đã chuyển biến nhưng cùng một ý.

中 Trung = trúng, đúng / ở giữa, trong. Vốn do chữ中 “trúng” chuyển chú thành “trung”. Hai âm “trúng”, “trung” và hai nghĩa “bắn trúng”, “ở giữa” tuy đã chuyển biến nhưng vẫn cùng một ý = khi bắn trúng, mũi tên ghim vào giữa cái bia.

5- Giả tá 假借 (mượn sai)

Vốn là không có chữ, mượn thanh để gửi sự, biến thành âm và nghĩa xa lạ, không có quan hệ duyên do suy diễn.

Ví dụ:

烏 Ô = con quạ đen ==> được mượn làm chữ “ô” trong烏乎 ô hô = than ôi.

令 Lệnh = như trong chữ “mệnh lệnh”, “hiệu lệnh” ==> được mượn làm chữ “lệnh” trong “huyện lệnh”.

說 Duyệt = vui. Do chữ 說 thuyết = nói, giả tá đọc là “duyệt”.

Tiểu chú: Vẫn có một chữ 悅 cũng đọc là “duyệt”, đồng nghĩa là “vui lòng, đẹp ý”

6- Hài thanh 諧聲 (hay còn gọi là 形聲 Hình thanh, hay 象聲 Tượng thanh)

Là lấy sự làm tên, mượn thanh để hợp thành. Đây là phép thông dụng nhất để hình thành Hán tự. Chữ hài thanh gồm một phần chỉ nghĩa, một phần chỉ thanh. Vị trí của hai phần này thay đổi tùy theo chữ, chia thành 8 loại:

6.1- Nghĩa bên trái, thanh bên phải:

河 Hà /hé/ = sông (thường dùng ở miền Hoa Bắc). Gồm chữ 水 Thủy + 可 /kě/Khả

棚 Bằng /péng/= căn phòng. Gồm chữ 木 Mộc +  朋 Bằng /péng/

请 Thỉnh /qǐng/ = mời. Gồm chữ  言 ngôn  +  青 thanh  /qīng/

馆 Quán /guǎn/. Gồm chữ 食  thực +  官  quan  guān

们  Mân /men/.  Gồm chữ  人  nhân +  门  môn /mén/

6.2- Nghĩa bên phải, thanh bên trái:

鴉 (鸦) Nha = con quạ khoang. Gồm 牙Nha + 鳥 Điểu (鸟)

郡 Quận = một khu đất chi theo địa giới hành chính. 

Gồm 君 Quân + 邑 Ấp

6.3- Nghĩa ở trên, thanh ở dưới:

芳 /fāng/ Phương = cỏ thơm. Gồm 草 Thảo (thủa xưa viết là艸) + 方 Phương /fāng/

筒 /tóng/ Đồng = ống tre, ống trúc. Gồm nghĩa: 竹 Trúc +  thanh: 同 /tóng/

6.4- Nghĩa ở dưới, thanh ở trên:

婆 Bà = phụ nữ lớn tuổi. Gồm 女 Nữ + 波 Ba (sóng)

勇 Dũng = mạnh. Gồm 力 Lực + 甬 Dũng

 6.5- Nghĩa ở ngoài, thanh ở trong:

固 Cố /gù /= vững bền. Gồm 囗 Vi = vây quanh + 古 Cổ /gǔ/

6.6- Nghĩa ở trong, thanh ở ngoài:

問 (问) Vấn = hỏi. Gồm 門(门) Môn + 口 Khẩu

6.7- Nghĩa ở giữa, thanh ở hai bên:

辮 (辫) Biện = bện, gióc, đan (vd: Biện tử = đuôi sam). Gồm 糸 (纟) Mịch = sợi tơ ở giữa chỉ nghĩa, hai chữ 辛Tân ở hai bên là chữ Biện 釆 hay 辨 chỉ thanh.

辯 (辩) Biện = biện luận. Gồm 言 (讠) Ngôn = lời nói ở giữa chỉ nghĩa, hai chữ 辛Tân ở hai bên là chữ Biện 釆 hay 辨 chỉ thanh.

6.8- Nghĩa ở hai bên (hoặc ở trên, hoặc ở dưới), thanh ở giữa:

術 (术) Thuật = nghề (thuật sỹ), phương pháp, đường đi trong ấp. Gồm 行 Hành = đi, thi hành chỉ nghĩa + 朮 Thuật chỉ thanh

Những phương pháp học chữ Hán thông qua chiết tự

Học chiết tự qua thơ

 Trong cách học chữ Hán theo phương pháp chiết tự, người ta đã để chiết tự đi cùng với những vần thơ dễ nhớ, dễ thuộc mô tả lại những thành phần trong chữ Hán. Từ đó, rất nhiều câu thơ hay những câu câu chuyện ngắn đã được ra đời cũng như nhiều câu thơ đã trở thành kinh điển đối với người học Tiếng Trung. Để Tiếng Trung Cầm Xu giới thiệu đến các bạn những câu thơ kinh điển nhất:

Chiết tự chữ 看 Kàn (chữ Khán)

Tay nào che mắt mi cong

Nhìn xa phương ấy chờ mong người về

Nghĩa của chữ 看 tức là nhìn, xem. Phía trên của chữ hán này là bộ thủ 手 chỉ tay, phía dưới là bộ mục 目 chỉ mắt. Nhìn vào chữ này giống như một bàn tay đang che đôi mắt để nhìn cho cho rõ.

Chiết tự chữ 安 Ān  (chữ An)

Cô kia đội nón chờ ai

Hay cô yên phận đứng hoài thế cô.

Chữ an 安 có bộ nữ 女 chỉ cô gái, và bộ 宀 Miên chỉ mái nhà

Bộ 宀 Miên có hình dáng giống như chiếc nón được viết phía trên bộ 女 Nữ giống hình ảnh cô gái đang đội nón, nên ta mới có câu thơ “Cô kia đội nón chờ ai” dùng để miêu tả chữ này, và chữ an 安 có nghĩa là yên ổn, an toàn nên dùng câu thơ “Hay cô yên phận đứng hoài thế cô” để miêu tả ý nghĩa của chữ an 安.

Không có mô tả ảnh.

Chiết tự chữ 德 Dé (chữ Đức)

Chim chích mà đậu cành tre 

Thập trên tứ dưới, nhất đè chữ tâm

Bộ 彳 Xích, hay còn gọi là bộ chim chích

Bộ thập 十:số 10

Bộ tứ 四:số 4

Bộ nhất 一:số 1

Bộ tâm nằm 心:tim, lòngKhông có mô tả ảnh.

Chiết tự chữ 美 Měi (chữ Mỹ)

Con dê ăn cỏ đầu non,

Bị lửa cháy hết không còn chút đuôi.

Chữ mỹ 美 có nghĩa là đẹp, bao gồm bộ 羊 Dương chỉ con dê và chữ  đại 大 phía dưới. Để chữ viết được gọn, bộ 羊 Dương, mất phần đuôi phía dưới, nên mới có câu thơ “Bị lửa cháy hết không còn chút đuôi” dùng để miêu tả chữ này.

Chiết tự chữ 孝 Xiào  (chữ Hiểu) 

Đất thì là đất bùn ao,

Ai cắm cây sào sao lại chẳng ngay.

Con ai mà đứng ở đây,

Đứng thì chẳng đứng, vịn ngay vào sào.

Chữ hiếu 孝 nghĩa là hiếu thảo. Câu thơ “đất thì là đất bùn ao” để chỉ trong chữ hiếu 孝 có bộ thổ 土 liên quan tới đất bùn.

Ai cắm cây sào sao lại chẳng ngay: để chỉ nét phẩy nghiêng được viết bên cạnh bộ thổ 土

Câu thơ “Con ai mà đứng ở đây” chỉ bộ Tử 子 được viết ở phía dưới bộ thổ 土, bộ Tử 子 có ý nghĩa chỉ đứa bé, đứa trẻ, bộ Tử 子 được viết sát với nét phẩy được ví như cây sào, nên mới có câu thơ: Đứng thì chẳng đứng, vịn ngay vào sào.

Chiết tự chữ 好 Hǎo (chữ Hảo)

Thiếp là con gái còn son,

Nếp hằng giữ vẹn ngặt con dựa kề.

Chữ Hảo được cấu tạo bởi bộ nữ 女 chỉ người phụ nữ và bộ tử 子 chỉ con cái. 2 bộ thủ này đứng cạnh nhau ý nói người phụ nữ khi có con là một chuyện tốt vô cùng.

Chiết tự chữ 夫 Fū (chữ Phu)

Thương em, anh muốn nên duyên,

Sợ e em có chữ thiên trồi đầu

Chữ phu 夫 nhìn gần giống chữ Thiên 天, nhưng nét phẩy nhô cao lên trên, nên câu thơ có ý nghĩa là “thương em anh muốn nên duyên” nhưng “Sợ e em có chữ thiên trồi đầu” nghĩa là sợ em đã là gái đã có chồng rồi.

Chiết tự chữ 思 Sī (chữ Tư)

Ruộng kia ai cất lên cao,

Nửa vầng trăng khuyết, ba sao giữa trời.

Chữ tư 思 có ý nghĩa là tương tư, nhớ nhung, chữ này bao gồm bộ điền 田 được viết ở phía trên, vì vậy mới có câu thơ “Ruộng kia ai cất lên cao”. Phía dưới có bộ tâm nằm 心, bộ tâm nằm trông giống như vầng trăng khuyết, có 3 nét chấm xung quanh giống như ba ngôi sao giữa trời.

 

Chiết tự chữ 勇 Yǒng (chữ Dũng)

Khen cho thằng nhỏ có tài,

Đầu đội cái mão đứng hoài trăm năm.

Chữ dũng 勇 nghĩa là dũng cảm, gan dạ, phía trên là chữ 甬, giống như hình chiếc mũ, phía dưới là bộ Lực 力 để chỉ sức mạnh, sức lực. Cả chữ giống hình ảnh một cậu bé đội chiếc mũ, dáng đứng tràn đầy dũng khí, sức mạnh.

 

Chiết tự chữ 始 Shǐ (chữ Thủy)

Con gái mà đứng éo le,

Chồng con chưa có kè kè mang thai.

Chữ thủy 始 bao gồm có chữ nữ 女 chỉ con gái và chữ thai 台 (chữ thai này không có nghĩa như trong bào thai mà chỉ được sử dụng để mượn âm). Đây là chữ hình thanh có chữ thai 台 chỉ âm, chữ nữ 女 (con gái) nói nghĩa.

Học chiết tự qua bộ thủ: 

Tổng quan về học chiết tự qua bộ thủ

Chữ Hán bao gồm 214 bộ thủ, mỗi bộ thủ lại mang một ý nghĩa riêng. Việc học các bộ thủ có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp ta viết được chữ, tra từ điển, và làm các công việc liên quan đến dịch thuật… 214 bộ này chủ yếu là chữ tượng hình, và hầu như dùng làm bộ phận biểu nghĩa, một phần nhỏ được dùng để biểu âm. Do đó thông thường, có thể dựa vào bộ thủ để phán đoán nghĩa và âm đọc.

Ví dụ biểu nghĩa:

– Những chữ có bộ thuỷ (水) thì thường liên quan đến nước, sông, hồ như: 江 sông,河 sông,海 biển…

– Những chữ có bộ mộc (木) thường liên quan đến cây cối, gỗ như: 树 cây,林 rừng,桥 cây cầu…

Ví dụ biểu âm:

– Những chữ có bộ 生 như 牲, 笙, 栍, 泩, 苼, 狌 đều được đọc là “shēng”.

– Những chữ có bộ 青 như 清, 请, 情, 晴 đều mang cùng thanh mẫu vận mẫu “qing”, chỉ khác nhau thanh điệu.

Không nhất thiết bạn phải học thuộc 214 bộ thủ, bạn chỉ cần ghi nhớ một số các bộ thủ cơ bản thường gặp. Sai lầm của nhiều bạn mới học là cố gắng học thuộc hết 214 bộ thủ 1 lúc. Như vậy các bạn sẽ rất dễ quên. Cách hữu hiệu hơn đó là học qua việc phân tích chữ Hán. Khi gặp một chữ Hán mới, đừng cắm đầu cắm cổ luyện viết trong vô thức ngay, bạn cần tra cứu xem có những nét gì, bộ thủ gì, bộ thủ đó mang ý như thế nào, có liên quan gì đến nghĩa và âm đọc của chữ Hán đó hay không. Học phân tích sâu các chữ như này vừa giúp nhớ chữ Hán vừa giúp bạn học bộ thủ, sẽ hiệu quả cao hơn nhiều lần so với việc học chay 214 bộ thủ.

Một số ví dụ phân tích bộ thủ để nhớ chữ:

办公室 /bàngōngshì/ – văn phòng

办 (làm): bộ lực (力) + bộ bát (ハ). Ngày 8 tiếng (ハ) dùng sức lực (力) là làm việc .

公 Công: Trên bát (八) dưới tư (厶).

室 Gồm bộ: Miên (宀) +Chí 至- nghĩa là đến (tách nhỏ ra gồm: nhất (一) + tư (厶) + thổ (土))

Chúng ta đến phía dưới 1 mái nhà làm công việc chung => văn phòng.

找 /zhǎo/ – tìm kiếm

Gồm bộ: thủ(扌)và bộ qua(戈).

Dùng tay(扌)tìm cây giáo(戈).

家 /jiā/ – nhà

Gồm bộ miên (宀 mái nhà) + bộ thỉ (豕 con lợn)              

Trên người sống dưới lợn ở tạo ra nhà.

呢 /ne/ – trợ từ

Gồm bộ: Khẩu (口) +  thi(尸) + chủy (匕).

住 /zhù/ – ở, cư trú

Gồm bộ: Nhân đứng (人) + chủ (主)

Chỉ nơi người ở. Bộ chủ (主) là phần chỉ phát âm của chữ .

楼 /lóu/ – tầng, nhà lầu

Gồm bộ: Mộc (木 gỗ) + Mễ (米 gạo) + Nữ (女 phụ nữ).

Tòa nhà được làm bằng gỗ (木) phải có gạo (米) để ăn và người phụ nữ (女) chăm lo cho gia đình.

房间 /fángjiān/ – phòng

房: Bộ hộ (户 hộ gia đình) + phương (方 phương hướng). 

Căn phòng của các hộ gia đình ở tứ phương.

间 Gian: Phòng có cửa (门) và ánh sáng (日) chiếu vào.

校长 /xiàozhǎng/ – hiệu trưởng

校 gồm bộ: Mộc (木) + Giao (交) – kết giao (tách nhỏ ra gồm bộ đầu 亠 và bộ phụ 父).

长 bộ Trường.

语言 /yǔyán/ – ngôn ngữ

语 gồm bộ ngôn (讠) – tức là ngôn từ + chữ ngũ (五) và bộ khẩu (口)

言 gồm bộ: đầu (亠) +  nhị (二) +  khẩu (口).

大学 /dàxué/ – đại học

大: Các bạn tưởng tượng giống 1 người, dang tay, dang chân, rất là to lớn, có nghĩa là đại – to lớn.

学: Bao gồm bộ: 3 chấm thủy + bộ mịch (冖dải lụa) + bộ tử(子trẻ con)

Thằng trẻ con trùm khăn lụa vã cả mồ hôi ra để đi học.

职员 /zhíyuán/ – nhân viên

职: Bộ nhĩ (tách nhỏ ra gồm: bộ nhĩ (耳) – nhân viên nghe nhiều + bộ khẩu (口)- nói ít + bộ bát (ハ) – ngày làm 8 tiếng).

员: gồm bộ khẩu (口) + bối (贝): nhân viên cả ngày mở mồm nói về lương.

Tài liệu học chiết tự chữ Hán

Có phải các bạn đã tìm thấy sự thú vị của từng chữ Hán cũng như cách nhớ chữ Hán một cách hay ho hơn thay vì chép đi chép lại chữ Hán trong vô thức rồi đúng không?

Dưới đây chúng mình sẽ giới thiệu đến các bạn một số tài liệu tự học chữ Hán thông qua phương pháp chiết tự.

Xem Hán Văn tự học tại đây

Xem Bí quyết chiết tự chữ Hán tại đây

Xem Chiết tự chữ Hán tại đây

Chúc cho các bạn tìm được sự hứng thú với chữ Hán và khiến việc học chữ Hán không còn là ác mộng.

Ngoài ra các bạn có thể tham khảo bí quyết nhớ chữ Hán cực hiệu quả

Hoặc tự học Tiếng Trung tại nhà làm sao cho hiệu quả.

————————————————————————

Xem lịch khải giảng mới nhất của Tiếng Trung Cầm Xu tại đây

Youtube

Facebook

 

Các khóa học tại Trung tâm Cầm Xu

Khoá Phát âm

Khóa học dành cho người chưa biết gì Tiếng Trung, sau khóa học, học viên sẽ có phát âm chuẩn, biết tra từ điển, hát, đọc thơ, tự giới thiệu bản thân bằng Tiếng Trung, gõ được chữ Hán trên máy tính, điện thoại.

  • Số buổi học:

    6 buổi

  • Giáo trình:

    Emotional Chinese

1.500.000 VNĐ
Đăng ký ngay

Khoá Phát âm – Khởi động

Dành cho các bạn đã học xong phát âm. Sau khi học xong bạn sẽ có 500 từ vựng cơ bản, 400 từ vựng mở rộng, 100 cấu trúc ngữ pháp thông dụng, giao tiếp được tất cả các chủ đề cơ bản trong cuộc sống và công việc như giới thiệu, mua bán, du lịch, nhắn tin với người Trung Quốc,...

  • Số buổi học:

    35 buổi

  • Giáo trình:

    Emotional Chinese

6.890.000 vnđ
Đăng ký ngay

Khoá Tăng tốc

Dành cho những bạn đã học xong khóa Khởi động hoặc học xong cuốn Boya sơ cấp 1 hoặc cuốn Hán ngữ quyển 3. Sau khóa học này bạn sẽ có khoảng 1000 từ vựng chính thức, 900 từ vựng mở rộng, 200 cấu trúc ngữ pháp thông dụng, giao tiếp được nhiều hơn, biết cách đưa ra một số quan điểm với các chủ đề trong cuộc sống và công việc.

  • Số buổi học:

    30 buổi

  • Giáo trình:

    Emotional Chinese

5.990.000 VNĐ
Đăng ký ngay

Khoá Cất Cánh

Khóa học này dành cho các bạn đã học xong khóa Khởi động hoặc Boya sơ cấp 1 hoặc Hán ngữ cuốn 3. Sau khóa này bạn sẽ có tổng cộng 1400 từ vựng chính và 1200 từ vựng mở rộng, khắc sâu 300 cấu trúc ngữ pháp, thành thạo giao tiếp Tiếng Trung thông dụng, có thể tranh biện, chia sẻ quan điểm cá nhân bằng Tiếng Trung.

  • Số buổi học:

    25 buổi

  • Giáo trình:

    Emotional Chinese

5.990.000 VNĐ
Đăng ký ngay
Bài viết liên quan
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments