x

Chị Thùy An

Admin

31/08/2023

ĐỪNG PHỦ ĐỊNH BẢN THÂN CHỈ VÌ ĐI SAI ĐƯỜNG

“Tại sao chị quyết định học Tiếng Trung ấy à? Để chị nhớ lại xem nào.” Cú sốc đầu đời của cô bé lớp 12 bắt đầu khi thầy hiệu trưởng gọi gia đình lên nhắc nhở chuyện riêng: “Nếu điểm tiếng Anh của em Thùy An còn tiếp tục ở mức 2 – 3 thế này, em có nguy cơ bị điểm liệt, đến tốt nghiệp còn khó qua được chứ đừng nói đến thi đại học, gia đình nên cân nhắc cho em nghỉ đội tuyển Địa để tập trung ôn tiếng Anh.”

Cả chặng đường về, mẹ chị An không nói không rằng một chữ. Tuy không quát mắng, nhưng chị An biết mẹ thất vọng lắm. Đây không phải lần đầu tiên chị An được thầy hiệu trưởng mời lên gặp, nhưng những lần trước đó chỉ để khen thưởng với thành tích thi học sinh giỏi Địa lý. Còn lần này…

Địa lý là sở trường yêu thích nên không đời nào chị An bỏ thi đội tuyển. Chị manh nha ý định học một ngoại ngữ khác để thi tốt nghiệp và quyết định chọn tiếng trung với lý do rất đỗi tự nhiên: vì từ bé xem phim Trung Quốc nhiều, nghe tiếng Trung nhiều đâm ra thích.

Nói là làm, chị lần mò trên mạng, tìm thế nào lại ra một lớp học Tiếng Trung tận khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Từ Vĩnh Phúc bắt xe bus đến Bắc Thăng Long được mất gần 60km cả đi cả về, thế mà sáng thứ 7 nào chị cũng đều đặn bắt xe xuống học rồi lại bắt xe về.

Chăm chỉ là thế mà học 1 tháng rồi, một chữ bẻ đôi viết như nào vẫn chưa biết. May ra hỏi tên là gì thì biết trả lời: “Ní hảo, guỏ cheo Roản Chuấy An”. Chị An thấy lạ lắm, không phải người Trung Quốc viết chữ tượng hình xiên ngang xổ dọc à? Sao thầy lại viết chữ tiếng Việt nhỉ?

Đánh liều, chị hỏi thì thầy đáp gọn lỏn: “Ở đây chỉ dạy như thế này thôi. Học như này là em đủ nói chuyện và nghe hiểu người Trung Quốc nói gì rồi.” Hoảng hốt, chị An sững người: “Nhưng em cần học Tiếng Trung để thi đại học, như thế này thì có thi được không ạ?” – “Em tự ôn thêm mặt chữ, thầy hỗ trợ thì chắc vẫn đủ điểm qua!” Thế là chị bỏ ngang.

Hay là tự học nhỉ? Chị Thùy An lại lặn lội ra nhà sách. Ở Vĩnh Phúc quê chị thời đó chưa phát triển như bây giờ, nhà sách chỉ toàn sách dạy tiếng Anh, đến 1 quyển sách học Tiếng Trung cũng không có.
Chị An không mua được quyển sách nào cả. Lên mạng tìm file PDF thì chỉ có file PDF song ngữ Trung – Anh. Mà một chữ tiếng Anh bẻ đôi chị cũng không biết thì làm sao đọc hiểu được.

Nên chị lại mò lên Youtube, search kiểu gì ra video dạy phát âm chuẩn “Học Tiếng Trung dễ như ăn kẹo” của cô Cầm Xu. Video chỉ có hình ảnh kèm hướng dẫn đọc của cô giáo thôi, nào có được quay hình như bây giờ, nhưng chị An lại thấy rất dễ hiểu. Mỗi lần đọc mẫu một âm mới, cô Cầm Xu đều dừng lại một lúc đủ để chị có thời gian đọc theo mà không cần phải tạm dừng video.

Tối nào chị Thùy An cũng mở video tự học, xem hết 5 video thì cũng biết nói mấy câu Tiếng Trung cơ bản rồi. Chào hỏi như nào, xưng hô ra sao,… chị An nói được rồi đấy. Nhưng đó mới chỉ là bước đầu chị An được tiếp xúc với Tiếng Trung và biết cách phát âm chuẩn là thế nào thôi.

Cách ngày thi đại học chỉ còn 2 tháng nữa, làm sao mà kịp học Tiếng Trung để thi tốt nghiệp. Thế thì quá mạo hiểm, chị đành quay lại ôn tiếng Anh chống trượt. Nhưng cũng bắt đầu từ đó, nhân duyên với Tiếng Trung của chị bén rễ lúc nào chẳng hay.

Cuối cùng chị Thùy An cũng đỗ đại học, nhưng việc điền nguyện vọng xảy ra trục trặc. Run rủi thế nào lại đỗ vào một trường không mong muốn, trượt khỏi top đầu các trường khối C. Ngày xuống Hà Nội nộp hồ sơ nhập học, chị đã khóc suốt cả quãng đường.

Tháng đầu năm học, không buổi học nào chị có thể chăm chú nghe giảng. Chị lo lắng cho tương lai của mình, mang tiếng là đi thi học sinh giỏi, mang tiếng là đứa học giỏi nhất làng, là niềm tự hào của mẹ, mà giờ lại đỗ phải một trường điểm thấp. Kiến thức trên trường thi toàn lý thuyết, đã vậy ngày nào cũng thấy thời sự nói về tỉ lệ thất nghiệp ngày càng tăng, chị An sợ rằng sau này mình cũng sẽ thất nghiệp, sợ trở thành gánh nặng cho mẹ, sợ hàng xóm cười chê.

Chị đọc hàng trăm bài liên quan đến thất nghiệp và cách làm sao để không thất nghiệp, cuối cùng chị đọc được một bài viết nói rằng: “Sinh viên sẽ không thể nào thất nghiệp nếu học vững chuyên ngành ở trường và thành thạo tin học văn phòng cùng ngoại ngữ. Thực tế những đối tượng này rất thiếu trên thị trường lao động hiện nay.”

Bừng sáng! Đó là cảm giác chị An vẫn nhớ sau suốt 6 năm. Chị như người chết đuối vớ được cọc. Chị quyết định học thêm ngoại ngữ và tin học. Và nhân duyên đúng là thứ kỳ diệu, lại một lần nữa chị được học Tiếng Trung từ cô Cầm Xu.

“Chị quyết định học tại Tiếng Trung Cầm Xu vì khi học video của cô Cầm Xu, cô có nói “Các bạn hãy thử nhé, chắc chắn các bạn sẽ làm được.” Có lẽ với người khác đó chỉ là một câu nói bình thường, nhưng với một người từng bị nói là học ngoại ngữ ngu như bò, không hề có tố chất học ngoại ngữ nào, thường xuyên bị giáo viên chê trách như chị, đó là một câu động viên cực lớn.

Thế nên dù hồi đó Trung tâm mình còn bé lắm, nằm tít trong ngách nhỏ trên phố Kim Mã thì chị vẫn chọn. Chị rất thích cách giảng dạy có tạo động lực học của cô Cầm Xu.”

Những ngày đầu mới học, chị An không dám nói vì sợ sai, ám ảnh việc đọc bài đọc Tiếng Anh bị các bạn cười, bị cô giáo nói không hề bị mất đi dù được cô Cầm Xu khích lệ. Sau đó cô Cầm Xu hướng dẫn cho chị 1 cách nhỏ để biết xem mình có đang phát âm chuẩn hay không, đó chính là dùng google dịch, nói xem có ra được đúng phiên âm từ mà mình muốn không. Nếu đúng thì mình đang đọc chuẩn, nếu không đúng thì khả năng cao là mình đọc sai.

Mỗi lần đọc mà ra đúng từ, chị An vui lắm. Đồng thời vì khi ấy, mỗi học viên sau mỗi buổi học đều cần gửi lại file ghi âm đọc bài của mình cho giáo viên nghe và sửa, lỗi sai phát âm của chị An ngày hôm sau luôn ít hơn bài hôm trước, có lúc còn được cô giáo khen vì nói chuẩn được các âm khó, chị lại thấy càng có động lực học hơn.

Và thế là sau 6 buổi học, chị An đã có thể phát âm chuẩn được một ngoại ngữ, sau 10 buổi, chị đã tự tin giới thiệu về gia đình bằng Tiếng Trung một cách rành mạch, rõ ràng, nhả chữ âm nào nét âm đấy chứ không “ngộ ngộ lỉ lỉ” như nói tiếng bồi hồi trước. Không còn dừng lại ở “Ní hảo, guỏ cheo Roản Chuấy An” nữa, chị An đã kể được một câu chuyện có nội dung, có ngữ cảnh hoàn chỉnh. “Hóa ra chị không dốt ngoại ngữ bẩm sinh như chị nghĩ, chỉ là chưa biết đi đúng đường thôi.”

Hai năm sau, chị Thùy An thi đỗ HSK 5 và tìm được một công việc partime nhờ Tiếng Trung đó là dịch các video trên Douyin. Và bây giờ chị đang làm về mảng xuất nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc. Chị An bảo, có lẽ thành công lớn nhất của chị sau khi học được Tiếng Trung không phải là tìm được việc làm mà là tìm được tự tin khi học ngoại ngữ, chị tự tin và dám học thêm Tiếng Anh, Tiếng Thái và Tiếng Pháp.

Hy vọng rằng, nếu như có bạn nào giống chị, không học được một ngoại ngữ nào đó thì cũng đừng mất tự tin về bản thân, có lẽ thiếu sót không đến từ năng lực mà là phương pháp. Đừng bao giờ phủ định bản thân, bạn rất tuyệt vời, chỉ là cách học có thể chưa phù hợp mà thôi!