KHÁM PHÁ CÙNG TIẾNG TRUNG CẦM XU – VẺ ĐẸP CỦA TÂY TẠNG HUYỀN BÍ
camxu
01/07/2020
Mục lục
Tây Tạng nằm ở độ cao gần 4000m so với mực nước biển. Mặt trời ở đây lặn muộn, tia cực tím cực cao, ai lên đây cũng già đi nhanh chóng. Không khí loãng, khó thở đau đầu, đêm đêm mất ngủ. Nhiều người lên đây phải nhập viện, chảy máu mũi, thở oxy… Buổi trưa mùa hè nắng cháy da, nhưng mùa đông tuyết phủ lạnh cóng. Đồ ăn khô, hôi, lương thực ít.
Đời sống khắc nghiệt, thiên nhiên khắc nghiệt. Vậy nhưng Tây Tạng vẫn là địa điểm được khao khát bậc nhất thế giới. Bạn có biết tại sao không?
1. THIÊN NHIÊN SAY ĐẮM LÒNG NGƯỜI
Bạn đã từng phóng xe ô tô trên con đường nào mà trong phạm vi vài km xung quanh chỉ là thiên nhiên rợn ngợp không có gì chắn tầm mắt chưa? Nếu chưa, thì hãy đến Tây Tạng!
Những bức ảnh thiên nhiên trong bài này được tôi chụp lại trên đường đi từ Tiền Tạng (Lhasa) về Hậu Tạng (Shigatse). Quãng đường gần 400km mỗi chiều, đi từ độ cao 3700m lên đến 5000m. Nó đi qua hồ thiêng Yamdrok và sông băng vĩnh cửu. Quãng đường này đi từ thành phố lớn nhất đến thành phố lớn nhì của Tây Tạng. Anh hướng dẫn viên của tôi nói rằng, cảnh đẹp này Thuỵ Sỹ cũng không thể so sánh được.
Sự tự do chảy tràn trong không khí. Sự mênh mông không điểm dừng của mắt nhìn. Chỉ có một từ thôi: Say Đắm!
Bạn biết điều gì tuyệt vời hơn không? Tất cả những cảnh tượng vĩ đại này đều nằm ở độ cao 4000-5000m so với mực nước biển. Bên dưới những dãy núi kia có thể là vực thẳm. Bên dưới chân trời kia có thể là hoang mạc khô cằn. Nhưng ở đây, tại khoảnh khắc này. Bạn chỉ thấy độc nhất một bầu trời xanh vĩnh viễn đầy kiêu hãnh.
Một ấn tượng Tây Tạng không thể nào quên – vùng đất thiêng chạm tới mặt trời!
2. ĐỜI SỐNG TÂM LINH MÃNH LIỆT
Người Tạng từ xưa đến nay luôn thích sống ở những nơi cao nhất trên thế giới. Họ có sẵn gien thích nghi với không khí loãng và độ cao gây ngộp thở. Các nhà khoa học đến giờ vẫn không giải thích nổi điều này. Nhưng với người Tạng thì đơn giản. Họ cho rằng đó là bằng chứng của việc mình là sứ giả của thần linh. Tôi sinh ra đã ở gần các vị thần. Tôi suốt đời phụng sự thần và chết đi để hoá thân thành các vị thần.
Tôn giáo gắn liền với đời sống
Ở nơi này, đời sống và tôn giáo hoàn toàn không tách biệt. Đời sống là tôn giáo, tôn giáo cũng chính là đời sống.
Các bé trai người Tạng sinh ra đã được nhắm để mang vào chùa. Được vào chùa còn vinh dự hơn đi Đại học. Nơi này có 46000 nam giới quy tăng.
Suốt dọc đường đi, tôi nhìn thấy vô số người hành hương “nhất bộ nhất bái”. Câu này nghĩa là “đi một bước lạy Phật một bước”.
Những cụ bà người Tạng trông khắc khổ và nhem nhuốc ngày nào cũng đều đặn vào chùa. Họ tra bơ bò châm nến, lắc chuông xoay, rầm rì cầu nguyện.
Phong tục kết hôn
Đến tuổi thành hôn, hai bên chỉ xem tình cảm, không hỏi tiền tài. Nhà có nhiều phân bò để sưởi ấm trong mùa đông là được. 50% của cải làm ra đều quyên góp cho chùa.
Ở vùng đất cao chạm mặt trời này,
có sự thiêng liêng tuyệt đối trong tín ngưỡng,
có sự kiên cường bình thản giữa thiên nhiên khắc nghiệt,
có sự đơn giản hồn nhiên trong sinh hoạt hàng ngày,
có sự buông bỏ không tham luyến một cách tự nhiên với tiền tài danh vọng.
Mọi thứ ở nơi này đều như mang một màu sắc kiêu hãnh thiêng liêng. Chúng nguyên sơ mà thuần khiết, như bài ca vút bay trên cao nguyên thăm thẳm. Đến với Tây Tạng là đến với khúc ca của tự do. Ở đây, con người rũ bỏ được mọi ràng buộc quấn thân. Họ sẽ sống với thế giới bên trong mãnh liệt của riêng mình.
MỘT VÀI CHỈ DẪN ĐỂ BẠN CÓ THỂ ĐẾN VỚI TÂY TẠNG
a. Thủ tục xin visa
Tây Tạng là khu tự trị nên phải xin visa Trung Quốc. Ngoài ra, còn phải xin thông hành riêng do đại sứ quán cấp riêng vào Tây Tạng. Khi di chuyển trong địa phận Tây Tạng, đi bất cứ chặng nào cũng có kiểm tra an ninh.
Người nước ngoài không thể tự ý đi vào Tây Tạng. Họ buộc phải đặt tour ở một công ty du lịch tại Trung Quốc để làm thủ tục nhập cảnh. Ngoài ra có thể đảm bảo các dịch vụ an toàn đặc biệt và an toàn về sức khỏe. Sẽ có hướng dẫn viên người địa phương, chuẩn bị luôn cho khách bình dưỡng khí, oxy dự phòng.
b. Đi khi nào?
Mùa xuân và hè là thời gian thích hợp nhất để đến Tây Tạng. Bởi vào mùa đông, nhiệt độ của miền đất này có thể xuống âm vài chục độ. Thời gian này cũng là mùa lễ hội của Tây Tạng. Người hành hương từ khắp nơi tề tựu về đây trong bầu không khí lễ hội đầy màu sắc.
c. Phương tiện đến và di chuyển:
Thông thường bạn có thể đến Tây Tạng theo đường sắt và đường hàng không. Đi đường sắt thì phải đi đến ga Bắc Kinh hoặc ga Thanh Hải rồi bắt tàu đi Tây Tạng. Thời gian dài hơn nhưng được ngắm cảnh nhiều hơn.
Nếu đi đường hàng không bạn có thể nối chuyến tại Côn Minh (thủ phủ Vân Nam). Tiếp đó, bạn đáp chuyến bay của Easten China đến thủ phủ Lhasa (Tây Tạng).
Lưu ý:
– Tây Tạng là vùng đất có khí áp thấp. Mật độ không khí loãng hơn so với vùng đồng bằng từ 25 đến 30%. Vì vậy bạn nên đi lên Tây Tạng bằng xe lửa để quen dần độ cao và sự loãng khí. Khi đi xuống bạn có thể đi bằng máy bay. Nhưng nếu bạn là người có sức khỏe yếu như huyết áp thấp hoặc có bệnh về tim mạch. Bạn nên từ bỏ ngay ý định chinh phục Tây Tạng.
– Lhasa ở độ cao 3800m. Khi xuống tới sân bay bạn có thể cảm thấy rất khó thở. Vì vậy, không nên đi nhanh nói nhiều. Ở sân bay có bán các bình ôxy, bạn nên dùng khi cảm thấy khó thở. Thường các khách sạn cũng có sẵn dịch vụ hít bình oxy với giá 5 tệ/lần. Thông thường bạn phải nghỉ ngơi 1 ngày đêm cho quen môi trường rồi mới đi thăm quan. Buổi tối ở Tây Tạng thường thấy đau đầu khó ngủ. Sau từ 3-4 ngày hiện tượng đó sẽ bớt dần.
d. Đồ đạc mang theo
Bạn phải chuẩn bị quần áo ấm loại hai lớp có thể chống thấm nước. Nếu đi vào mùa đông thì phải mang theo giày lội tuyết. Nên mang giày thể thao, ưu tiên nhẹ và thoáng khí. Mua một ba lô nhỏ đựng vật dụng thiết yếu theo người. Bạn nên mua loại có khe thoát khí ở lưng. Mua thêm một túi to hoặc vali đựng tất cả những thứ khác còn lại.
Khi thăm các điểm du lịch ở Tây Tạng, bạn nên mang theo một bình đựng nước ấm. Không nên uống nước lạnh. Mang theo trà gừng để uống nhằm chống cảm, tăng nhiệt lượng rất tốt. Có thể mua một số viên sủi chống sốc độ cao mà một số khách sạn bán sẵn. Tuyệt đối không được để bị cảm khi đi Tây Tạng. Bởi điều này có thể dẫn đến tràn dịch màng phổi vô cùng nguy hiểm.
e. Điểm tham quan
– Cung điện Potala: theo tiếng Sankrit nghĩa là Cung điện của Bồ Tát. Đây là nơi ở và làm việc của các vị Đạt Lai Lạt Ma. Đây chính là lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng. Thăm quan cung điện Potala phải đăng ký hẹn giờ trước. Họ kiểm tra an ninh như ở sân bay.
– Chùa Đại Chiêu (Jokhang): được xây dựng từ năm 693. Chùa nằm ngay tại trung tâm thành phố Lhasa. Chùa có khu vườn rộng 25.000m2 và 370 phòng. Đây vừa là ngôi chùa cổ, vừa là tu viện nổi tiếng của Phật giáo Tây Tạng.
– Tu viện Dzongchen: “cõi Phật” thuần khiết. Đây là 1 trong 6 tu viện lớn theo truyền thống Phật giáo nguyên thủy ở Tây Tạng.
– Cung điện mùa hè Norbulinka: một tác phẩm nghệ thuật với 4 khu cung điện và tu viện lớn.
– Ghé thăm sông băng Karola và hồ thiêng Yamdrok. Đây là một trong 4 hồ thiêng nhất Tây Tạng. Hồ tọa lạc trên con đường đi từ Lhasa đến Shigatse. Đặc biệt cung đường này vô cùng tráng lệ hùng vĩ. Bạn đã đi là sẽ mãi mãi không thể quên trong đời.
– Tu viện Tashilunpo: nơi cư ngụ của Ban Thiền Lạt Ma. Tu viện được thành lập từ năm 1447 với tổng diện tích gần 300.000m2
CHÚ Ý:
– Không chụp ảnh nhân viên an ninh, quân đội, không chụp ảnh trong các công trình tôn giáo.
– Không nên vào các ngõ phố nhỏ nếu không có hướng dẫn viên đi cùng. Tránh hỏi những vấn đề tôn giáo nhạy cảm.
– Nên đổi tiền Nhân Dân Tệ sẵn từ Việt Nam. Bên đó đổi USD hay tiêu tiền bằng thẻ đều khó. Sẽ tiện hơn nếu bạn có ví điện tử Wechat. Nó có thể thanh toán ở bất cứ đâu kể cả những nơi xa xôi hẻo lánh.
– Đồ ăn của người Tạng rất khó ăn. Dù vậy bạn cũng nên ăn thử cho biết.
– Có thể mua sẵn sim 3G từ Việt Nam. Với giá khoảng 300k là bạn đã có 8GB dùng thoải mái cho suốt chuyến đi. Nếu bạn nào có nhu cầu mình có thể cho contact nhé.
Có ai đó từng nói, đỉnh cao của mọi sự phức tạp chính là sự giản đơn. Nếu bạn muốn một lần trải nghiệm cảm giác nguyên sơ thuần hậu ấy, cảm nhận sự trong sáng và tự do chảy trong sâu thẳm lòng mình, hãy thử đến Tây Tạng một lần xem sao nhé!
Tác giả: Cầm Xu Nguyễn