x

Bật mí 5 điều có thể bạn chưa biết về phát âm Tiếng Trung phổ thông

Admin

21/04/2025

Khi học tiếng Trung, nhiều người tập trung vào từ vựng, ngữ pháp mà bỏ qua yếu tố cốt lõi – phát âm chuẩn. Phát âm chuẩn Tiếng Trung không chỉ là bắt chước giọng của người bản xứ, mà là học theo một hệ thống âm thanh Tiếng Trung đã được chuẩn hóa và thiết kế kỹ lưỡng – đó là tiếng phổ thông. Dưới đây là 5 sự thật giúp bạn hiểu đúng bản chất của tiếng phổ thông Trung Quốc và phát âm chuẩn, hiệu quả hơn.

 

1. Nguồn gốc của Tiếng Trung phổ thông

Khi mới bắt đầu tìm hiểu học Tiếng Trung, nhiều người nhầm lẫn việc học phát âm chuẩn Tiếng Trung phổ thông là học phát âm chuẩn tiếng Bắc Kinh. Đây là một sai lầm trong nhận thức về Tiếng Trung phổ thông.

Tiếng phổ thông Trung Quốc (普通话) không phải là một phương ngữ cụ thể, hay một ngôn ngữ được hình thành tự nhiên, đó là một ngôn ngữ được chuẩn hóa trên cơ sở chọn lọc có chủ đích, được nhà nước Trung Quốc thiết kế vào thế kỷ 20, nhằm tạo ra một công cụ giao tiếp thống nhất trên toàn quốc.

Trước năm 1949, Trung Quốc có hơn 80 phương ngữ, các phương ngữ có sự khác biệt lớn đến mức người Trung Quốc ở vùng này không hiểu được người ở vùng kia. Sau khi thành lập nhà nước CHND Trung Hoa, chính quyền muốn dùng một ngôn ngữ chung để gắn kết dân tộc, phát triển giáo dục, hành chính, khoa học nên đã nghiên cứu, chọn lọc và đưa ra quy chuẩn chung về tiếng phổ thông.

Theo chỉ thị của Quốc vụ viện Trung Quốc ngày 6/2/1956, tiếng phổ thông được định nghĩa là:  “以北京语音为基础音,以北方话为基础方言,以典范的现代白话文著作为语法规范。” Cụ thể là:

  • 以北京语音为基础音: Lấy âm Bắc Kinh làm cơ sở về ngữ âm
  • 以北方话为基础方言: Lấy phương ngữ miền Bắc làm nền tảng về từ vựng, cách diễn đạt. Ở đây không chỉ lấy từ Bắc Kinh mà còn mở rộng ra toàn bộ các tỉnh miền bắc như Hà Bắc, Sơn Đông, Hà Nam, Thiểm Tây…
  • 以典范的现代白话文著作为语法规范: Chuẩn ngữ pháp dựa trên các tác phẩm văn viết hiện đại kinh điển.

Điều đó có nghĩa là Tiếng Trung phổ thông không phải là bản sao của bất kỳ phương ngữ nào. Nó được nghiên cứu, chọn lọc từ cách phát âm, diễn đạt phổ biến trong phương ngữ nhiều nơi, và được thiết kế, chuẩn hóa lại thành một hệ thống ngôn ngữ chuẩn riêng để dùng chung cho toàn bộ nhân dân Trung Quốc, có thể học được thông qua giáo trình và luyện tập bài bản.

Bảng tổng hợp tòa bộ phiên âm pinyin Tiếng Trung phổ thông

Bảng tổng hợp tòa bộ phiên âm pinyin Tiếng Trung phổ thông

Một số điều có thể bạn chưa biết về tiếng phổ thông Trung Quốc

  • Trước thế kỷ 20, Trung Quốc không có một “ngôn ngữ chung” đúng nghĩa. Các vùng miền nói tiếng khác nhau đến mức không hiểu được nhau, đặc biệt là những khu vực như Quảng Đông, Thượng Hải, Tứ Xuyên…
  • Mao Trạch Đông từng đề xuất “cải cách ngôn ngữ” mạnh tay đến mức bỏ luôn chữ Hán, chuyển sang viết bằng chữ Latinh (bính âm), nhưng kế hoạch này bị hoãn lại vô thời hạn do yếu tố văn hóa và lịch sử.
  • Năm 1955, Trung Quốc tổ chức hội nghị ngôn ngữ toàn quốc và dùng kết quả nghiên cứu từ hàng trăm nhà ngôn ngữ học, giáo viên, chuyên gia âm vị để “lập công thức” cho tiếng phổ thông.
  • Sự phát triển của hệ thống giáo dục, truyền hình và các phương tiện truyền thông là công cụ quan trọng để phổ cập tiếng phổ thông.
  • Chỉ có khoảng 30% dân số Trung Quốc dùng tiếng phổ thông là ngôn ngữ chính khi ở nhà (theo dữ liệu khảo sát của Bộ Giáo dục Trung Quốc).
  • Mọi người dân Trung Quốc đều phải học tiếng phổ thông trong trường học. Học sinh ở nhiều vùng miền phải học tiếng phổ thông giống như đang học một ngoại ngữ, đặc biệt là ở các tỉnh miền Nam Trung Quốc.

 

2. Tiếng Trung phổ thông KHÁC với tiếng Bắc Kinh

Như đã nói ở phần trên, tiếng phổ thông không phải là tiếng Bắc Kinh. Tiếng Bắc Kinh là một phương ngữ bản địa, mang nhiều đặc trưng giọng vùng miền như: nhiều âm cuốn lưỡi 儿 (儿化音), tốc độ nói nhanh, dính chữ, luyến âm, nối âm, nuốt âm, biến âm, các từ địa phương,…

Tiếng phổ thông chỉ lấy ngữ âm của tiếng Bắc Kinh làm “cơ sở” – tức là nguồn tham khảo để nghiên cứu, thiết kế ra âm đọc chuẩn của tiếng phổ thông, chứ không sao chép toàn bộ.

Lựa chọn âm Bắc Kinh làm cơ sở về ngữ âm là do tiếng Bắc Kinh thuộc nhóm ngôn ngữ Quan Thoại, có hệ thống âm vị tương đối ổn định, dễ nghe và được dùng tại thủ đô. Tiếng phổ thông đã loại bỏ hoặc trung hòa những yếu tố phương ngữ trong tiếng Bắc Kinh như âm cuốn lưỡi 儿, luyến âm, nối âm,… để tạo ta âm đọc đơn giản và dễ tiếp cận, phổ cập hơn.

Do đó, học phát âm chuẩn Tiếng Trung phổ thông không phải học phát âm theo tiếng Bắc Kinh, mà là học phát âm theo quy tắc phát âm chuẩn của hệ thống tiếng phổ thông – hệ thống âm đã được nhà nước Trung Quốc chuẩn hóa và quy định trong Hiến pháp.

Xem thêm: Tất tần tật những điều bạn cần biết khi bắt đầu học phát âm Tiếng Trung chuẩn tiếng Trung phổ thông

 

Một số điều thú vị có thể bạn chưa biết về tiếng Bắc Kinh

  • Người Bắc Kinh vẫn phải học tiếng phổ thông trong nhà trường.
  • Âm cuốn lưỡi “儿 (ér)” trong tiếng Bắc Kinh được sử dụng cực kỳ phổ biến, ví dụ: 北海公园 họ nói thành “běrhǎi gōngyuér” thay vì “běihǎi gōngyuán”, 地铁 nói thành “dìtiěr” thay vì “dìtiě”. Trong tiếng phổ thông, những âm 儿 này thường bị lược bỏ.
  • Chính người dân Bắc Kinh thường bị trừ điểm khi tham gia kỳ thi năng lực tiếng phổ thông PSC vì nói quá “địa phương”, nhất là với những lỗi như: Sử dụng quá nhiều âm “儿”, biến âm hoặc luyến âm, nói quá nhanh, nuốt âm.

 

3. Giọng huyện Loan Bình (Hà Bắc) – nơi được lấy làm giọng mẫu chuẩn sách giáo khoa

Tuy Tiếng Trung phổ thông lấy phát âm của tiếng Bắc Kinh làm cơ sở ngữ âm, nhưng có một sự thật ít ai biết đó là, thời gian đầu các giọng mẫu chuẩn dùng trong giáo dục, phát thanh, sách giáo khoa … không đến từ Bắc Kinh, mà đến từ một huyện nhỏ tên là Loan Bình (滦平县), thuộc tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc).

Vào thời điểm thiết kế tiếng phổ thông, chính quyền cần một giọng nói không mang quá nhiều màu sắc địa phương, dễ nghe, dễ phổ cậptrung hòa giữa các vùng. Giọng huyện Loan Bình (滦平话) đáp ứng đủ các tiêu chí như: phát âm gần giọng Bắc Kinh nhưng không có âm cuốn lưỡi, không bị lai các giọng địa phương khác, và người dân nơi đây phát âm rất rõ ràng, mạch lạc, ít đặc trưng vùng miền.

Do đó, giọng của huyện Loan Bình được chọn làm mẫu âm chuẩn cho việc biên soạn sách giáo khoa và làm tư liệu thu âm tiếng phổ thông.

 

Một số điều thú vị có thể bạn chưa biết về giọng huyện Loan Bình (tỉnh Hà Bắc)

  • Giọng huyện Loan Bình được Bộ Giáo dục Trung Quốc chọn không phải qua bỏ phiếu, mà qua khảo sát âm vị học toàn quốc – nơi nào có tỷ lệ phát âm đúng cao, ít lẫn âm địa phương thì được chọn làm mẫu.
  • Mẫu giọng của người dân nơi đây được ghi âm làm tài liệu chuẩn hóa phát âm. Các phát thanh viên, người dẫn chương trình, giáo viên ngữ âm… thường được yêu cầu luyện theo giọng Loan Bình.
  • Giọng ở huyện Loan Bình “chuẩn” đến mức từng được sử dụng trong các băng cassette dạy tiếng phổ thông trên toàn quốc. Một số đài truyền hình từng yêu cầu phát thanh viên luyện giọng theo giọng vùng này.
  • Mẫu phát âm giọng Loan Bình từng được thu âm cho cả máy đọc trong thẻ ngân hàng ATM, sách giáo khoa toàn quốc, truyền hình trung ương CCTV.

 

4. Kỳ thi năng lực tiếng phổ thông Trung Quốc PSC – 普通话水平测试

Kỳ thi năng lực tiếng phổ thông Trung Quốc PSC – 普通话水平测试 /Pǔtōnghuà shuǐpíng cèshì/ là kỳ thi chính thức do Nhà nước Trung Quốc tổ chức, dùng để đánh giá mức độ phát âm chuẩn tiếng phổ thông Trung Quốc của người dân. Đây là điều kiện bắt buộc nếu bạn muốn làm các ngành nghề liên quan đến ngôn ngữ như giáo viên, MC truyền hình, phát thanh viên, diễn viên hay công chức nhà nước,…

Kỳ thi được thi theo hình thức vấn đáp, cấu trúc bài thi gồm 4 phần chính:

  • Đọc 100 từ đơn âm tiết (10đ): Kiểm tra phát âm thanh mẫu, vận mẫu, thanh điệu
  • Đọc 50 từ đa âm tiết (20đ): Kiểm tra phát âm thanh mẫu, vận mẫu, thanh điệu, biến điệu thanh 3, âm 儿, thanh nhẹ và khả năng liên kết âm
  • Đoạn đoạn văn ngắn 400 từ (30đ): Kiểm tra năng lực đọc tài liệu, nhất là kiểm tra ngữ âm, thay đổi giọng điệu, ngữ điệu.
  • Nói chuyện (40đ):: Kiểm tra trình độ tiếng phổ thông khi không có văn bản có đạt chuẩn hay không.

Bài thi tính trên thang điểm 100 điểm, chia thành 3 cấp từ cao đến thấp là 一级 (cấp 1), 二级 (cấp 2), 三级 (cấp 3), mỗi cấp chia A/B. Kỳ thi sẽ chấm rất chi tiết, từ độ chính xác của từng thanh mẫu, vận mẫu đến cách nhấn âm, độ rõ ràng và chính xác trong phát âm. Mỗi phần trong bài thi đều có giới hạn lỗi sai và thời gian, nếu vượt quá sẽ bị trừ điểm.

Tất cả mọi người đều có thể tham gia kỳ thi, tuy nhiên với những người làm trong ngành giáo dục, công chức nhà nước, MC, truyền thanh, phim ảnh,… sẽ có yêu cầu nhất định về cấp bậc của chứng chỉ.

👉 Ngay cả người Trung Quốc cũng cần phải học lại phát âm theo đúng chuẩn tiếng phổ thông nếu muốn đạt điểm cao. Vì vậy với người học Tiếng Trung như chúng ta, việc học phát âm chuẩn là điều rất quan trọng nếu muốn nghe nói tốt ngay từ đầu.

Chứng chỉ chứng nhận trình độ Tiếng Trung phổ thông PSC

Chứng chỉ chứng nhận trình độ Tiếng Trung phổ thông PSC

Một số điều thú vị có thể bạn chưa biết về kỳ thi năng lực tiếng phổ thông Trung Quốc

  • Người miền Nam Trung Quốc, nhất là người đến từ các tỉnh như Quảng Đông, Hồ Nam, Phúc Kiến, Tứ Xuyên,…) có tỷ lệ rớt kỳ thi PSC cao nhất dù họ học tiếng phổ thông từ tiểu học do ảnh hưởng phương ngữ quá nặng.
  • MC, phát thanh viên của đài phát thanh, truyền hình cấp Trung ương bắt buộc phải thi đạt chứng chỉ Tiếng Trung phổ thông PSC cấp 1-A (trên 97 điểm) mới được lên sóng. Nếu nói sai, phát âm sai trong chương trình, sẽ bị phạt hoặc thậm chí cấm sóng tạm thời.
  • Giáo viên ngữ văn, giáo viên Hán ngữ cấp tiểu học – THCS, hoặc các nhân viên ngành dịch vụ công cộng (nhân viên quảng bá, tổng đài,…) cũng bắt buộc phải thi đạt chứng chỉ ít nhất cấp 2-A (trên 87 điểm). Nếu chỉ đạt cấp 2-B, sẽ không đủ điều kiện lên lớp chính thức.

 

5. Tiếng phổ thông là một ngôn ngữ “sống” vẫn đang được điều chỉnh, thay đổi

Không giống như nhiều người nghĩ, tiếng phổ thông không phải là một hệ thống bất biến. Trên thực tế, các cơ quan ngôn ngữ Trung Quốc vẫn thường xuyên cập nhật, điều chỉnh, bổ sung từ vựng, chỉnh sửa cách phát âm và xây dựng quy chuẩn phát âm mới theo thời gian.

Sách giáo khoa ngữ âm vẫn có các đợt điều chỉnh, cập nhật định kỳ vài năm một lần về quy chuẩn phát âm, cách đánh trọng âm, xử lý âm biến đổi… Một số âm trước đây được xem là “chuẩn” hiện tại đã có sự thay đổi để phù hợp hơn với thực tiễn. Các kỳ thi PSC cũng thay đổi tiêu chí chấm thi theo từng năm. Hệ thống phát thanh quốc gia vẫn cập nhật bản thu âm giọng chuẩn mỗi vài năm để phản ánh phát âm phổ biến hiện tại.

Ngoài ra, tên gọi của Tiếng Trung phổ thông cũng có sự thay đổi theo từng vùng lãnh thổ như:

  • Trung Quốc đại lục: 普通话 /Pǔtōnghuà/ Tiếng phổ thông
  • Đài Loan: 国语 /Guóyǔ/ Quốc ngữ
  • Người Hoa ở nước ngoài: thường gọi là 华语 /Huáyǔ/ – Hoa ngữ

👉 Do đó, khi học phát âm chuẩn Tiếng Trung, bạn cần biết chính xác giáo trình hoặc nguồn tài liệu bạn lựa chọn học theo hệ nào, để không học lẫn lộn giữa giọng phổ thông, giọng Đài Loan, hay giọng vùng miền.

 

Một số điều thú vị có thể bạn chưa biết:

  • Chữ Hán và tiếng phổ thông là 2 thứ KHÁC NHAU – có người biết viết chữ Hán nhưng lại nói tiếng địa phương, không giao tiếp được bằng phổ thông.
  • Danh sách âm chuẩn PSC được cập nhật định kỳ vài năm/lần, tương tự như Oxford hay Merriam-Webster update từ mới.
  • Một số phát âm từng là “sai” nhưng sau này được đưa vào chuẩn PSC, ví dụ: “一模一样” từng đọc yìmú yíyàng, giờ dùng yìmó yíyàng là chính.
  • Có cả bộ từ điển “giáo trình chỉnh âm phổ thông” dành riêng cho giáo viên, MC và giáo sư, ghi rõ phát âm mẫu, lỗi thường gặp và kỹ thuật chỉnh sửa giọng.
  • Đài truyền hình, giáo viên, MC bắt buộc phải theo phát âm chuẩn do Bộ giáo dục phát hành, kể cả những thay đổi theo từng năm.

 

 

Hiểu rõ nguồn gốc và bản chất của tiếng Trung phổ thông giúp bạn học phát âm không theo cảm tính mà theo chuẩn khoa học. Phát âm chuẩn Tiếng Trung không đồng nghĩa với việc bắt chước một người bản xứ bất kỳ, mà là làm chủ hệ thống phát âm đã được chuẩn hóa, và đây là nền tảng quan trọng nhất giúp bạn nghe, nói, và học ngôn ngữ này một cách bài bản và hiệu quả.

Các khóa học tại Trung tâm Cầm Xu

Khoá Phát âm

Khóa học dành cho người chưa biết gì Tiếng Trung, sau khóa học, học viên sẽ có phát âm chuẩn, biết tra từ điển, hát, đọc thơ, tự giới thiệu bản thân bằng Tiếng Trung, gõ được chữ Hán trên máy tính, điện thoại.

  • Số buổi học:

    6 buổi

  • Giáo trình:

    Emotional Chinese

1.500.000 VNĐ
Đăng ký ngay

Khoá Phát âm – Khởi động

Dành cho các bạn đã học xong phát âm. Sau khi học xong bạn sẽ có 500 từ vựng cơ bản, 60 cấu trúc ngữ pháp quen thuộc, giao tiếp được khoảng 25 chủ đề cơ bản trong cuộc sống và công việc như giới thiệu, mua bán, du lịch, nhắn tin với người Trung Quốc,...

  • Số buổi học:

    35 buổi

  • Giáo trình:

    Emotional Chinese

6.890.000 vnđ
Đăng ký ngay

Khoá Tăng tốc

Dành cho những bạn đã học xong khóa Khởi động hoặc học xong cuốn Boya sơ cấp 1 hoặc cuốn Hán ngữ quyển 3. Sau khóa học này bạn sẽ có khoảng 900 từ vựng chính thức, khoảng 120 cấu trúc ngữ pháp thông dụng (bổ sung thêm 400 từ vựng và 60 ngữ pháp cầu nối), giao tiếp được nhiều hơn, biết cách đưa ra một số quan điểm với các chủ đề trong cuộc sống và công việc.

  • Số buổi học:

    30 buổi

  • Giáo trình:

    Emotional Chinese

5.990.000 VNĐ
Đăng ký ngay

Khoá Cất Cánh

Khóa học này dành cho các bạn đã học xong khóa Khởi động hoặc Boya sơ cấp 1 hoặc Hán ngữ cuốn 3. Sau khóa này bạn sẽ có tổng cộng 1200 từ vựng, khoảng 150 cấu trúc ngữ pháp (bổ sung thêm 300 từ vựng và 30 ngữ pháp trung cấp), thành thạo giao tiếp Tiếng Trung thông dụng, có thể tranh biện, chia sẻ quan điểm cá nhân bằng Tiếng Trung.

  • Số buổi học:

    25 buổi

  • Giáo trình:

    Emotional Chinese

5.990.000 VNĐ
Đăng ký ngay
Bài viết liên quan
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments