Gặp gỡ thành Venice của phương đông
camxu
19/11/2014
“Thượng giới có thiên đàng, hạ giới có Tô – Hàng, giữa có Châu Trang” – người Trung Hoa luôn tự hào như thế. Với nét đẹp hữu tình được bảo tồn nguyên vẹn của một thành phố bên sông cổ kính bậc nhất phía Nam sông Dương Tử, cổ trấn Châu Trang xứng đáng với tên gọi “Venice phương Đông” dành cho mình.
Nằm cách Thượng Hải khoảng 70 km về phía tây, thị trấn Châu Trang là thành-phố-nước ra đời sớm và tiêu biểu nhất của Giang Nam (tỉnh Giang Tô – Trung Quốc). Thị trấn nhỏ chỉ vẻn vẹn 1km2 với dân số khoảng 20.000 người này tập trung mọi vẻ đẹp của những thành- phố-nước ở phía nam sông Dương Tử: những cây cầu đá với đường nét chạm trổ sinh động bắc ngang sông, những ngôi nhà cổ tường trắng mái đen, các khung cửa sổ trang trí bằng vỏ sò, và những con thuyền gỗ nhẹ trôi trên làn nước trong xanh…
Theo các sách sử, năm 1086, năm trị vì đầu tiên của Hoàng đế Zherong thời Bắc Tống (960-1127), tại đây, Zhou Digong – một người họ Châu sùng đạo Phật – đã cắt hơn 13ha đất hiến tặng chùa Quanfu. Dân địa phương biết ơn ông, đặt tên vùng đất là Châu Trang.
Giữa thời nhà Nguyên (1206-1368), một phú ông họ Thẩm chuyển đến Châu Trang, mở mang kinh doanh, lập nên các thị tứ, các chợ dọc theo sông Nanbeishi, mang lại cho Châu Trang vẻ trù phú. Con trai ông là Thẩm Vạn Tam nối nghiệp cha, khai thác mạng lưới đường sông dày đặc của Châu Trang, biến nơi đây thành trung tâm giao thương nổi tiếng với các mặt hàng lụa, sứ, đồ thủ công và thóc gạo ở phương nam.
Châu Trang sở hữu tất cả những gì tiêu biểu cho một thị trấn thời xa xưa: những cây cầu đá cong cong vắt ngang con kênh, những ngôi nhà cổ rêu phong tường trắng mái đen soi bóng xuống dòng nước, những chiếc đèn lồng đỏ treo cao trước cửa những căn nhà cổ. Nổi tiếng nhất ở đây là cầu Song Kiều xây dựng từ hơn 400 năm trước, gồm một nhịp cầu cong và một nhịp cầu vuông bắc qua hai con sông giao nhau là Yinzhi và Nanbeishi, nối với nhau theo hình một chiếc chìa khoá.
Được mệnh danh là “Venice của phương Đông”, từ xa xưa Châu Trang đã là điểm đến và khơi nguồn cảm hứng sáng tác của rất nhiều văn nghệ sĩ Trung Hoa. Do Châu Trang được bao bọc bởi rất nhiều sông hồ đan xen, hầu hết nhà cửa ở đây đều được xây dựng ven các dòng kênh với lối đi bộ nhỏ ngăn cách, dần dần đã trở thành những con đường tự nhiên của thị trấn này.
Bạn nên đi thuyền để thưởng ngoạn cảnh đẹp của thành phố. Giá đi thuyền chỉ có 50 tệ (khoảng 150.000 đồng). Những người chèo thuyền luôn chào đón du khách với nụ cười thật tươi. Trong tiết trời mát mẻ của mùa hè, bạn sẽ được thưởng thức cảnh đẹp yên bình của những hàng liễu rủ ven sông, ngắm các trà quán nhộn nhịp du khách… Điều đặc biệt ở nơi đây là hình ảnh những người phụ nữ vẫn giữ nguyên thói quen giặt giũ trên dòng sông như từ hàng trăm năm trước.
Trưa hoặc chiều, bạn có thể ghé vào một tiệm ăn nhỏ, gọi món mì hoành thánh và đậu phụ thối. Dù mang tiếng là thối, đây lại là một trong những món ăn được ưa thích nhất tại Trung Quốc, như món mắm của người Việt vậy.
Ngày nay, cảnh mua bán nhộn nhịp sầm uất của Châu Trang không còn nữa, thay vào đó là một bầu không khí cổ kính tĩnh lặng bao trùm. Đến thăm Châu Trang giống như một chuyến đi ngược thời gian. Các khách sạn ở đây hầu hết là những ngôi nhà hơn 100 năm tuổi. Còn người dân địa phương hàng ngày vẫn ngồi trên những bậc thang nơi bến nước, bình thản giặt quần áo hay thêu ren, câu cá.