Chương trình học giao tiếp tốt là chương trình như thế nào?
camxu
18/10/2022
Thứ nhất, chương trình đó nhất định phải có audio của người bản xứ.
Với Tiếng Trung thì bạn cần học đúng Tiếng Phổ thông và nghe audio của người Trung Quốc nói chuẩn Tiếng Phổ thông. Đừng tin những cuốn sách nói rằng chỉ cần học các phiên âm tương tự sang Tiếng Việt. Trong hai ngôn ngữ, rất ít thứ gọi là âm thanh hoàn toàn tương tự. Hãy luyện cho đôi tai của bạn quen với âm thanh của người bản xứ. Chúng ta học nói phải bằng đôi tai chứ không phải bằng đôi mắt.
Thứ hai, phần phát âm phải có phần hình vẽ mô tả rõ khẩu hình.
Chúng ta bắt chước khẩu hình bằng cách nhìn trực quan chuyển động, chứ không thể bằng tưởng tượng các chuyển động. Bạn nhìn mà còn chưa chắc bắt chước được, thì nếu chỉ đọc hướng dẫn bằng text thì càng chẳng có gì đảm bảo bạn sẽ mô phỏng đúng thứ mà người ta muốn nói trong sách.
Thứ ba, phải có bài tập phân biệt âm thanh.
Đôi tai của chúng ta đang cần làm quen với một ngôn ngữ mới, đôi khi nó cũng nhầm. Nhầm âm thanh đó với âm thanh trong tiếng mẹ đẻ. Hoặc nhầm âm đó với một âm tương tự trong chính ngôn ngữ đó. Tự mình biết được một âm là chuẩn hay không thì khó, nhưng nếu có 2 âm đặt cạnh nhau để chọn thì sẽ dễ hơn nhiều.
Chính vì vậy một chương trình học giao tiếp tốt thì cần phải có những bài tập cho người học nghe và phân biệt những âm thanh gần giống để người học có thể phân biệt được sự khác nhau giữa những âm thanh dễ nhầm lẫn, từ đó sở hữu âm thanh đó.
Nếu bạn chưa biết sở hữu âm thanh là gì, mời bạn đọc bài tại đây.
Thứ tư, tránh những giáo trình có quá ít audio.
Một cuốn sách toàn chữ là chữ, không có audio cho các phần ngữ pháp, từ vựng, ví dụ mở rộng, mà chỉ có audio hội thoại. Có khi audio hội thoại cũng không có hoặc không đầy đủ thì không thể nào giúp cho người học có giao tiếp tốt được. Làm thế nào bạn có thể nghe nói tốt nếu chỉ học bằng chữ. Học giao tiếp phải bằng đôi tai, không phải bằng đôi mắt.
Thứ năm, đừng học những cuốn giáo trình không có bài tập nói cá nhân hoá dành cho bạn.
Không ai thích nói về chuyện của Mary người Mỹ mới sang Trung Quốc du học. Cũng không ai thích hỏi bạn về việc trong sách bạn học có những nhân vật gì, người đó thích làm gì. Người ta sẽ muốn hỏi về bạn, tìm hiểu về bạn vì người ta yêu quý bạn. Còn bạn thì chắc chắn cũng thích nói về câu chuyện của mình, gia đình mình, thú cưng của mình, sở thích của mình, kế hoạch hàng ngày của mình. Bởi suy cho cùng, ngôn ngữ sinh ra là để diễn tả cuộc sống.
Cho nên, nếu bài thực hành trong sách của bạn toàn là nói lại câu chuyện của nhân vật trong vài, hoặc thay thế các từ vựng cho sẵn, hãy cân nhắc chuyển sang một cuốn sách khác.
Thứ sáu, đừng học những chương trình không bắt buộc bạn phải nói nhiều.
Sự thành thạo trong giao tiếp ngoại ngữ luôn bắt đầu từ việc “quen miệng”. Nếu bạn chẳng mấy khi được mở miệng nói, làm thế nào khi gặp người nước ngoài bạn có thể nói tự nhiên, không ngập ngừng, ngắc ngứ?
Các dạng bài tập để nói thì có rất nhiều: nhắc lại mẫu câu, đặt câu, mô tả tranh, kể lại bài hội thoại, trả lời câu hỏi giao tiếp phản xạ… Cơ hội được nói càng nhiều, càng chứng tỏ chương trình bạn học là đang hiệu quả.