TẾT BÁNH TRÔI BÁNH CHAY VÀ TẾT HÀN THỰC
camxu
26/03/2020
Mục lục
TẾT BÁNH TRÔI BÁNH CHAY VÀ TẾT HÀN THỰC
☯️寒食 节/hánshí jié/ Tết Hàn thực tại Trung Quốc.
Tết Hàn Thực diễn ra vào ngày mồng 3 tháng 3 Âm lịch. “Hàn Thực” nghĩa là “thức ăn lạnh”. Ngày nay người ta hay ăn bánh trôi (汤圆-tāngyuán). Ngày tết truyền thống này xuất hiện tại một số tỉnh của Trung Quốc. Xuất hiện trên miền bắc Việt Nam và một số cộng đồng người gốc Hoa trên thế giới.
Hai chữ “Hàn Thực” gắn với một điển tích ở Trung Quốc. Được biết tới rộng rãi qua tiểu thuyết Đông Chu liệt quốc.
Đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công nước Tấn, gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, nay trú nước Tề, mai trú nước Sở. Bấy giờ có một người hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo vua giúp đỡ mưu kế. Trong một lần tránh nạn, cạn lương thực, Giới Tử Thôi đã cắt thịt đùi mình cho vua ăn.
Sau này vua Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu. Sau đó thưởng rất hậu cho những người phò tá mình nhưng quên mất Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không oán trách gì, ông đưa mẹ về núi Điền Sơn ở ẩn.
Một thời gian sau vua Tấn Văn Công nhớ đến Giới Tử Thôi, muốn mời Giới Tử Thôi quay lại nhưng ông không đồng ý. Tấn Văn Công liền hạ lệnh phóng hỏa để ép Giới Tử Thôi đổi ý nhưng Giới Tử Thôi nhất quyết không ra. Hai mẹ con Giới Tử Thôi chết trong đám cháy.
Vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày. Chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm (khoảng từ mồng 3 tháng 3 đến mồng 5 tháng 3 Âm lịch hàng năm).
Tết Bánh trôi bánh chay tại Việt Nam.
Người Việt Nam cũng theo phong tục ấy và ăn Tết Hàn Thực ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch. Tuy nhiên, người ta chỉ làm bánh trôi hay bánh chay để cúng gia tiên và ăn thế cho đồ lạnh. Những liên hệ đến truyền thuyết về Giới Tử Thôi ít được người dân quan tâm. Còn kiêng kị về vấn đề củi lửa là hoàn toàn không có.
Thay vì tên gọi chính thức, 3/3 âm lịch thường được người Việt gọi dân giã là Tết bánh trôi – bánh chay. Ngày Tết này hiện vẫn duy trì phổ biến ở miền Bắc Việt Nam. Và đặc biệt hơn là các tỉnh xung quanh Hà Nội.